Giới chuyên gia: Nguồn cung từ Mỹ, OPEC đã dập tắt hi vọng còn lại về sự gia tăng của giá dầu
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 600.000 thùng/ngày trong tháng 8, lên cao kỉ lục 12,4 triệu, dữ liệu chính thức công bố hôm 31/11 cho thấy. Sự gia tăng phần lớn là do sản lượng của Vịnh Mexico tăng 30%.
Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng tăng vọt lên mức kỉ lục trên 12 triệu thùng/ngày trong năm nay nhờ những tiến bộ công nghệ đã tăng sản xuất từ các mỏ dầu đá phiến trên khắp Texas, Bắc Dakota và New Mexico. Cả ba bang đều ghi nhận sản lượng tăng trong tháng 8.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Reuters về sản xuất của OPEC cho thấy sản lượng tăng 690.000 thùng/ngày trong tháng 10.
Điều đó nâng tổng nguồn cung của nhóm năng lượng với phần lớn thành viên đến từ Trung Đông lên tới 29,59 triệu thùng/ngày.
"Đợt gia tăng mới nhất về nguồn cung tại OPEC và Mỹ đã dập tắt bất kì khả năng còn lại nào về sự gia tăng của giá dầu", Stephen Brennock, nhà phân tích dầu mỏ tại PVM Oil Associates, cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm 1/11.
"Không chỉ vậy, một đòn khác đánh vào những người hướng tới xu hướng tăng giá là xuất hiện nhiều tin xấu trên mặt trận vĩ mô. Một loạt các bản cập nhật nhà máy toàn cầu cho thấy lĩnh vực này vẫn ở trong tình trạng ảm đạm", ông nói thêm.
Nhân công xả dầu từ các giếng dầu tại mỏ Permian, Midland, Texas. Ảnh: Getty Images/CNBC.
Dữ liệu kinh tế đáng lo ngại
Ngoài kết quả hoạt động nhà máy của Trung Quốc, được công bố hôm 31/10, yếu hơn dự báo, ông Brennock cho biết những nghi ngờ về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng này đã thêm "xát thêm muối vào vết thương này".
Giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 60,42 USD/thùng vào chiều thứ Sáu (1/11), tăng khoảng 1,3%, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,6% lên 55,02 USD.
Giá dầu tăng ngay sau khi một sự phục hồi bất ngờ trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc vào thứ Sáu (1/11) đã thúc đẩy tâm lí thị trường. Tuy nhiên, giá dầu thô giao sau vẫn ghi nhận một tuần giảm giá.
Giá dầu thô Brent đã giảm gần 20% kể từ đỉnh tháng 4, trong khi giá dầu WTI giảm hơn 15% so với cùng kì.
"Dữ liệu đáng lo ngại từ Trung Quốc, cho thấy hoạt động của nhà máy đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng tiếp tục bị ảnh hưởng, nghĩa là Bắc Kinh có thể đưa ra một đợt kích thích khác nhằm cố gắng thúc đẩy tăng trưởng, ông Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành của Sun Global Investments, cho biết trong một lưu ý nghiên cứu.
"Chúng tôi có thể hi vọng giá sẽ duy trì ở mức tương tự vào cuối tuần khi các nhà đầu tư chờ đợi về bất kì tiến triển nào".
Cuối tháng trước, các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự đoán một số rủi ro tăng đối với ước tính giá dầu vào cuối năm của ngân hàng đầu tư Mỹ là 62 USD/thùng, vì những "cơn gió ngược chiều" từ nhà sản xuất Mỹ và giá cước vận tải cao thời gian gần đây đã dần biến mất, theo CNBC.
Giữa tháng 9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2019 từ 65,15 USD xuống 63,39 USD/thùng; năm 2020 cũng được dự báo giảm từ 65 USD xuống 62 USD/thùng.