Giao dịch cổ phiếu trên MoMo
Ngày 27/5, MoMo ra mắt sản phẩm Chứng khoán CV trên ứng dụng ví điện tử. Sản phẩm được cung cấp bởi CTCP Chứng khoán CV (CVS), thông qua MoMo. Do đó, người dùng ví điện tử này có thể mua bán, giao dịch chứng khoán chỉ từ một cổ phiếu trên nền tảng.
CVS hay trước đây là Chứng khoán Hồng Bàng được thành lập từ năm 2009 có vốn điều lệ 456,75 tỷ đồng. Tháng 6/2022, chủ sở hữu MoMo là CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 49% vốn điều lệ CVS từ hai cổ đông Jiang Wen và Nguyễn Kim Hậu.
Với sản phẩm chứng khoán CV mới, người dùng có thể nạp tiền từ ví MoMo về tài khoản tại CVS khi đặt lệnh mua chứng khoán. Trong giai đoạn đầu, người dùng có thể mua chứng khoán bằng nguồn tiền của mình.
Dự kiến, trong thời gian tới, thông qua MoMo, CVS sẽ cung cấp dịch vụ cho vay margin để mua chứng khoán. Người dùng cũng có thể mở tài khoản giao dịch cổ phiếu tại Chứng khoán CV trên ví điện tử. Theo giới thiệu, sản phẩm này có tính năng tự động tách lệnh tròn lô. Do đó, người dùng có thể mua số lượng cổ phiếu theo nhu cầu mà không phải tự tính lô chẵn và lô lẻ hay phải tách lệnh.
Trên ví điện tử, người dùng có thể theo dõi chỉ số thị trường, danh sách cổ phiếu có giá trị lớn nhất, có giá tăng mạnh nhất hoặc được người dùng giao dịch nhiều nhất... Các loại cổ phiếu cũng được phân loại ở danh mục "Đề cử nổi bật" theo mức độ được quan tâm nhiều từ người dùng.
MoMo cho biết người dùng ví điện tử có thể bắt đầu đầu tư cổ phiếu chỉ với 10.000 đồng, trong đó miễn phí mở tài khoản. Phí giao dịch cổ phiếu niêm yết được tính bằng 0,15% x Giá trị khớp lệnh trong ngày, bao gồm 0,03% phí do Sở giao dịch thu. Lưu ký cổ phiếu, chứng quyền, chứng chỉ quỹ có phí 0,27 đồng/chứng khoán/tháng; Lưu ký trái phiếu là 0,18 đồng /trái phiếu doanh nghiệp/tháng, tối đa 2 triệu đồng/tháng/mã TPDN.
Trước khi tham gia vào CVS, MoMo hiện diện trên thị trường chứng khoán với vai trò là nền tảng giúp kết nối nhu cầu đầu tư và là giải pháp thanh toán cho người dùng trong giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ mở của các công ty quản lý quỹ như Dragon Capital, SSIAM, VCBF, IPAAM.
Không riêng MoMo, hai Fintech khác trên thị trường cũng đang hợp tác theo mô hình này là Finhay và Fincorp. Hoặc mới đây là cái bắt tay giữa Zalopay và Chứng khoán DNSE. Tuy nhiên, sự hợp tác này chỉ giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của tập khách hàng mà các Fintech đang có. Với quy định hiện hành, nhà đầu tư muốn giao dịch cổ phiếu, chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số, chứng quyền) bắt buộc phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán.
Do đó, với sản phẩm mới, MoMo đã có thể khai nguồn khách hàng khổng lồ khi từng bước tham gia sâu vào mảng tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán hoặc cho vay (margin).