|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giảng viên đại học khởi nghiệp để kiến trúc truyền thống ‘cất tiếng nói’ thời đại

10:14 | 24/10/2018
Chia sẻ
Với niềm đam mê đối với kiến trúc, thầy giáo Hoàng Thúc Hào sáng lập công ty 1+1>2 để tạo ra những công trình lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang hơi hướng hiện đại.
 

Cái tên “1+1>2” đã trở nên quen thuộc trong giới kiến trúc từ lâu. Công ty 1+1>2 nổi tiếng qua nhiều công trình kiến trúc cộng đồng mang tầm ảnh hưởng như Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai), nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam).

giang vien dh xay dung khoi nghiep de kien truc truyen thong cat tieng noi thoi dai
Hoàng Thúc Hào - sáng lập viên 1+1>2. Ảnh: FBNV.

Hoàng Thúc Hào – người sáng lập 1+1>2 - tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Turin, Italia. Sau khi về nước, anh trở thành giảng viên khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng – nơi anh từng học tập. Đam mê kiến trúc khiến anh muốn dấn thân vào thực tế cuộc sống. Năm 2003, anh cùng hai người bạn mở văn phòng kiến trúc 1+1>2, bắt đầu hành trình khởi nghiệp tại đây.

Trò chuyện trong Đường đến thành công gần đây, Hào lý giải cái tên đặc biệt 1+1>2: “Kiến trúc là sự tổng hợp đa ngành giữa nghệ thuật và kỹ thuật, văn hóa và công nghệ. Đó là ý nghĩa của 1+1. Mặt khác, kiến trúc sư là người tạo ra sản phẩm. Khi họ nắm rõ từng lĩnh vực lối sống, tâm lý từng vùng miền kết hợp tiến bộ kỹ thuật hiện đại, họ sẽ tạo ra công trình mang bản sắc riêng biệt nhưng cất tiếng nói thời đại. Tác phẩm cuối cùng là giá trị hợp chuẩn lớn hơn 2”.

Tâm niệm “kiến trúc sinh ra từ đất rồi cũng trở về với đất”, đội ngũ 1+1>2 thiết kế hàng trăm công trình thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan cho thế hệ sau. Họ tạo nên hơn 20 công trình xã hội như nhà cộng đồng, sân chơi cho trẻ em, trường học, nhà ở nông thôn mới, nhà ở công nhân, nhà chống lũ ở địa bàn khó khăn, khu vực miền núi.

giang vien dh xay dung khoi nghiep de kien truc truyen thong cat tieng noi thoi dai
Bảo tàng gốm Bát Tràng - công trình kiến trúc do 1+1>2 thiết kế. Ảnh: 1+1>2.

Theo Hào, kiến trúc phải biểu hiện văn hóa, đồng thời tạo kênh hội nhập với thế giới nên anh lựa chọn những công trình cộng đồng để tạo “dấu ấn” nghề nghiệp. Khác nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư không thể độc lập hoàn thành tác phẩm, vì muốn biến bản vẽ thành công trình cần nhiều chi phí. “Kiến trúc sư phải biết xót đồng tiền bát gạo của người dân”, Hào nhấn mạnh.

Thay vì chú trọng thiết kế thẩm mỹ, 1+1>2 luôn hướng đến triết lý “kiến trúc hạnh phúc”. Hào tâm niệm kiến trúc trước hết vì con người. Một gia đình phải tiết kiệm, chắt chiu cả đời mới xây được ngôi nhà. Do đó, kiến trúc sư cần thiết kế để họ cảm thấy thoải mái, tiện nghi, hứng khởi nhất khi sử dụng. Dù diện tích lớn hay nhỏ, không gian phải thoáng đãng, có ánh sáng, gió đối lưu, vừa sáng tạo nhưng vẫn tạo cảm giác thân thuộc.

Lấy cảm hứng từ quan điểm quốc gia hạnh phúc của Thủ tướng Bhutan, Thúc Hào muốn làm kiến trúc trở nên hạnh phúc. Anh cho rằng, một công trình kiến trúc thành công là tác phẩm khiến người sống ở trong đó thấy hạnh phúc. Để thiết kế công trình hạnh phúc, trước hết kiến trúc sư phải cảm thấy hạnh phúc.

Sự hạnh phúc khiến kiến trúc sư dấn thân, sáng tạo vì con người, tương lai văn hóa mọi vùng miến, từ đô thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo. Họ cho ra đời những sản phẩm kiến trúc truyền thống, kế thừa tinh hoa của cha ông nhưng “cất tiếng nói” thời đại. Đó là những công trình của thế hệ mới, mang tầm ảnh hưởng tới “bộ mặt” văn hóa quốc gia.

giang vien dh xay dung khoi nghiep de kien truc truyen thong cat tieng noi thoi dai
Công trình thiết kế ngôi nhà hướng Tây của 1+1>2. Ảnh: 1+1>2.

Ngoài thời gian ở văn phòng 1+1>2, thầy giáo Hào vẫn dành nhiều thời gian chăm lo việc giảng dạy. Là một kiến trúc sư thực tế, anh mang nhiều chất liệu, thông tin bổ ích vào bài giảng. Đây là cơ hội truyền cảm hứng, kinh nghiệm, đam mê, triết lý kiến trúc của một người đi trước cho hàng ngàn, hàng vạn sinh viên. Họ sẽ là thế hệ kế thừa, phát huy quan điểm về kiến trúc hạnh phúc cho mai sau.

Kể từ ngày đầu là sinh viên cho đến hôm nay, Thúc Hào vẫn giữ trọn niềm đam mê, tâm huyết với ngành kiến trúc. Trong thời đại toàn cầu hóa, các công ty kiến trúc nước ngoài đổ bộ vào nước ta. Anh đặt ra thách thức cho bản thân là khiến 1+1>2 đứng ngang tầm, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế. Để làm được điều đó, anh cùng cộng sự sẽ biến kiến trúc truyền thống dân tộc thành công trình hiện đại 4.0 tương xứng.

Đôi nét về kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào sinh năm 1971 tại Hà Nội. Năm 2006, anh là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật Châu Á. Vừa qua, Đại hội Kiến trúc Thế giới (UIA) lần thứ 26 trao giải lớn Vassilis Sgootas Prize để ghi nhận đóng góp của anh trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở nông thôn, vùng núi.

Gần 30 năm hành nghề kiến trúc, anh có bộ sưu tập với 35 giải thưởng quốc tế, 43 giải thưởng, bằng khen trong nước. Đó là những ghi nhận đáng tự hào của một kiến trúc sư mang theo triết ký “kiến trúc hạnh phúc”.

Xem thêm

Bùi Mến

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.