Giãn thuế nhiều hơn, thêm ‘ô xy, tăng 'máy thở” cho doanh nghiệp
Khó tiếp cận
Có mặt tại một nhà máy quy mô 600 tỷ đồng tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo doanh nghiệp này kể rằng: Những sản phẩm truyền thống của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.
Khi Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ, nhất là gói 62 nghìn tỷ đồng, chúng tôi đã có làm đơn đề nghị được tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho người lao động để được vay vốn lãi suất 0%, được lùi đóng phí công đoàn...
Thế nhưng, chúng tôi bị từ chối vì doanh nghiệp không thuộc diện bị giảm đến 50% lao động.”
“Nếu phải giảm đến 50% lao động thì doanh nghiệp chúng tôi không thể tồn tại được, khi đó cần gì phải hỗ trợ”, vị lãnh đạo này cho biết và nói rằng trong khó khăn vẫn phải duy trì lao động để không bị thiếu hụt lúc dịch bệnh qua đi.
Ý kiến của vị doanh nghiệp kể trên cũng là nỗi lòng chung của nhiều doanh nghiệp khác. Sau khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã chia sẻ: Với các doanh nghiệp của Vinatex, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động mất việc lại không áp dụng được.
Các doanh nghiệp trong tập đoàn, nếu để mất việc làm tới 50% thì tương đương với phá sản. Do đó, mọi lãnh đạo doanh nghiệp đều phải lo lắng ngày đêm, xoay sở để làm sao không bị rơi vào tình trạng đó.
Tìm các việc cho công nhân làm, thậm chí dốc cả nguồn dự trữ ra để nuôi công nhân, giữ chân họ ở lại để sau đại dịch, có thể lập tức sản xuất được ngay với các đơn hàng lớn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc quy định tỷ lệ 50% lao động mất việc làm, thiệt hại 50% về tài sản… do ảnh hưởng dịch bệnh rất khó thực hiện trên thực tế, phát sinh các thủ tục hành chính bắt buộc doanh nghiệp phải chứng minh và được sự chấp thuận của các cơ quan thực thi chính sách.
Trong một số trường hợp khác, có thể phát sinh tác dụng ngược không mong muốn như doanh nghiệp phải cho nghỉ việc tới mức đủ 50% lao động để được hưởng hỗ trợ hoặc nảy sinh tiêu cực, cơ chế “xin – cho” để được hưởng hỗ trợ.
Mặt khác, nảy sinh bất cập, bất hợp lý đối với những doanh nghiệp có lao động nghỉ việc hoặc thiệt hại dưới mức 50% không nhận được hỗ trợ.
Giãn thuế cũng còn nhiều bất cập
Ngay cả chính sách giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP cũng bị nhiều doanh nghiệp phản ánh còn nhiều điều khó khăn.
Theo phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, một số công ty đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Nhưng một số doanh nghiệp cho rằng có rất nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với doanh nghiệp của mình nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này.
Có doanh nghiệp nộp đơn đề nghị giãn thuế nhưng vẫn không hoàn toàn chắc chắn là có mục “sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển” hay không.
Đặc biệt nội dung Khoản 3, Điều 4 đã làm cho các DN, người dân cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an/có thể nói là “làm khó” cho các DN, người dân khi quy định “Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất...
Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp...”.
5 tháng giãn thuế quá ngắn
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian giãn thuế là quá ngắn. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị định 41/2020/NĐ-CP chỉ quy định việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất với thời gian tối đa 5 tháng là chưa đủ, đề nghị kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng.
Nếu dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm thì 80% doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh, khi đó việc giãn các thời gian nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn về thời gian giãn thuế tại Nghị định 41. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 4 năm qua, với gần 40.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu lao động, Du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên khi dịch COVID-19 xảy ra, du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề và trên thực tế Du lịch Việt Nam cơ bản đã dừng hoạt động trong hai tháng tháng 3 và 4/2020.
“Việc giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế cho các doanh nghiệp du lịch đề nghị được áp dụng cho doanh thu Quý III và Quý IV/2020, vì Quý I và Quý II/2020 cơ bản các doanh nghiệp du lịch không có doanh thu”, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc kéo dài thời gian giãn thuế đến cuối năm tạo cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, bởi vì việc giãn thuế 3-5 tháng là quá ngắn.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng chung mong muốn được giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT trong năm 2020.
Theo đánh giá của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam mới đây, khâu thực thi những chủ trương hỗ trợ của Chính phủ còn chậm so với kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như diễn biến của dịch bệnh và những ảnh hưởng khó lường của nó đến doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc triển khai để nhận các gói hỗ trợ này.