|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm thuế giá trị gia tăng - Bài 2: Nuôi dưỡng nguồn thu

06:00 | 26/05/2023
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế đối với các sắc thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thu đặc biệt và tiền thuê đất, giảm thuế, miễn giảm các khoản thu phí, lệ phí.

Với riêng giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, khi thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính,  nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giảm thuế VAT được coi là “1 mũi tên trúng nhiều đích”, bởi giảm thuế VAT trước mắt nhưng tổng nguồn thu ngân sách lại tăng lên khi doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022, Chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với một số các nhóm hàng hóa đã khiến số thu về thuế giá trị gia tăng của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc bị sụt giảm. Nhưng, con số này là không đảng kể so với những tác động tích cực mà chính sách này mang lại bởi tác động giảm thu chỉ là trước mắt.

“Mặc dù thuế giá trị gia tăng đầu ra giảm 2% dẫn đến tổng thuế giá trị gia tăng đầu ra của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm trên 2,4 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số thu về thuế giá trị gia tăng đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 128,5 % dự toán, và bằng 161% so với cùng kỳ”, ông Nguyễn Đức Huy nói.

Do đó, theo ông Nguyễn Đức Huy, năm 2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng dự kiến tiếp tục được áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 10% được giảm xuống còn 8%. Điều này có thể trước mắt sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước của tỉnh, song chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết để nhằm kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Còn đối với Công ty Kohsei Multipack Việt Nam (Vĩnh Phúc), việc giảm thuế VAT trong năm 2022 đã giúp doanh nghiệp có thêm dư địa về tài chính, giảm áp lực từ vốn vay ngân hàng để có thể ổn định sản xuất duy trì việc làm cho hơn 600 lao động.

Chị Vũ Thị Sen, Kế toán trưởng Công ty Kohsei Multipack Việt Nam cho biết, với số giảm 2% từ thuế VAT công ty đã dùng để tái tạo sản xuất hoạt động kinh doanh, đầu tư kinh doanh cho công ty, mua trả nguyên vật liệu. Bên cạnh đó dùng để trả nợ giảm vay của ngân hàng vì năm 2022 vừa rồi lãi suất vay ngân hàng biến động cao.

Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc giảm thuế VAT sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng sản suất cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đây là giải pháp tạo đà và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng là thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không bị thoái lui khỏi thị trường, có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của doanh nghiệp được quay trở lại thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững.

Ông Mạc Quốc Anh Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, việc giảm thuế là kích thích trong việc tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh với thị trường xuất khẩu, thu hút thêm lực đầu tư từ phía bên ngoài vào Việt Nam.

“Việc giảm thuế không chỉ giảm cho doanh nghiệp mà giảm người tiêu dùng và người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa của chúng ta phải có sự phát triển và như vậy cũng tăng được nguồn thu”, ông Mặc Quốc Anh nói.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.

Cùng đó, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023. Mặt khác, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Thuỳ Dương