|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm thuế giá trị gia tăng - Bài 1: Hỗ trợ phục hồi sản xuất, kích cầu tiêu dùng

22:25 | 25/05/2023
Chia sẻ
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Công ty cổ phần Prime Yên Bình (Vĩnh Phúc) là doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Năm ngoái nhờ việc giảm thuế VAT, doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí gần 2,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh năm nay khi đơn hàng sụt giảm, nếu chính sách giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện, số tiền này tuy không phải là lớn những sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho hơn 240 lao động.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Prime Yên Bình cho biết, nhờ có nguồn tiền này, công ty đã đầu tư vào cải tiến thiết bị, từ đó, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Kết quả trong năm 2022 công ty đã nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng.

“Bên canh đó, khi thuế VAT giảm thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hạ, khả năng mua và sử dụng tăng lên thì sản lượng cũng sẽ ổn định. Đây chính là ảnh hưởng trực tiếp của sắc thuế này mang lại”, ông Nguyễn Hải Đăng nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên) cho rằng, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, quyết định của Chính phủ triển khai lúc này rất là kịp thời vì giúp doanh nghiệp giảm ngay được từ đầu vào, đầu vào giảm thì sản phẩm đầu ra cũng rất thuận lợi giúp cho doanh nghiệp có tích lũy và mở rộng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán sẽ có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện.

Dưới góc độ hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho hay, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi tiêu. Đặc biệt, đây là chính sách hỗ trợ tích cực để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2023 giảm 17,9% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 1,2%...

Trước bối cảnh kinh tế giảm tốc, những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành các chính sách giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất… Đặc biệt, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng 2% để tiếp tục hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.

Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Nhìn nhận dưới cái nhìn của người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế VAT sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giảm để tăng vì khi giảm thì người dân có động lực để chi tiêu nhiều hơn; doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra sôi nổi hơn. Khi các hoạt động kinh tế được thúc đẩy, phát triển hơn thì họ lại đóng thuế.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng giúp “khoan thư sức dân”, khi tất cả các mặt hàng thiết yếu, cũng như dịch vụ hàng ngày trực tiếp sát sườn với túi tiền của người dân đều có mức độ giảm trừ.

Điều này sẽ là nguồn động viên, khích lệ, cho thấy sự đồng hành của Chính phủ trước những khó khăn về thu nhập của người dân bị giảm sút trong bối cảnh tất cả các dịch vụ, cũng như hàng hóa đa phần giá cả vẫn neo cao.

Việc giảm thuế sẽ góp phần “đỡ” cho người lao động từ nay tới cuối năm, từ đó kích thích người dân tiếp tục mua sắm, sử dụng hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, dù áp lực lạm phát đã giảm căng thẳng ở quý I/2023, nhưng về cuối năm vẫn rất nhiều ẩn số từ việc tăng giá một số mặt hàng dịch vụ, giá điện, tăng lương cơ bản… Do đó, việc giảm thuế VAT sẽ tạo ra dư địa trong kiểm soát lạm phát tốt hơn từ nay tới cuối năm. Việc ổn định được kinh tế vĩ mô nói chung và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ nói riêng cũng là một động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Giảm 2% VAT cũng sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm đã dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế chính là nuôi dưỡng nguồn thu.

Thùy Dương