Bộ Công Thương: Giảm thuế VAT sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ hàng hóa
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, liên quan đến câu hỏi giảm thuế VAT 2% cho các hàng hóa sẽ hỗ trợ đến thị trường trong nước như nào, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, thị trường trong nước thời gian qua phát triển khá tốt, nhất là trong bối cảnh thị trường nước ngoài hết sức khó khăn.
Thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, qua đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế của đất nước. 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8 %, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%, đây là chỉ số được đánh giá khá tốt.
Tuy nhiên, theo đánh giá chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân. Hiện nay theo đánh giá, sức mua của thị trường trong nước đã tăng, nhưng mức tăng chưa cao…
Đây cũng là một trong những lý do mà Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm mức thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước.
“Khi thuế VAT giảm, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ. Khi tiêu dùng trong nước phát triển, sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2023”, bà Nguyễn Thúy Hiền cho hay.
Đánh giá tình hình tiêu thụ trong nước thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.
Các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định.
Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan.
Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT được đề nghị không mở rộng mà chỉ như đợt giảm thuế năm 2022. Theo đó, trong phiên họp hôm 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng tình với việc trình Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) song không tán thành rộng phạm vi cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như: Dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp để vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.
Ngày 18/5, Chính phủ đã có tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43), theo Dân Trí.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm VAT nói riêng có tác động tích cực. Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%.
Cụ thể là giảm 2% thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.