|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm thuế VAT 2%: Từ cơ hội là chính sách đón đầu trở thành giải pháp tình thế

10:05 | 08/05/2023
Chia sẻ
Đề xuất giảm thuế VAT được đưa ra đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên theo các chuyên gia đề xuất này nếu được đưa ra sớm hơn sẽ còn mang tính đón đầu chứ không phải chỉ là một giải pháp tình thế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu).

Dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

Nên thực hiện sớm hơn 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Đề xuất giảm thuế VAT được đưa ra đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên theo các chuyên gia đề xuất này nếu được đưa ra sớm hơn sẽ còn mang tính đón đầu chứ không phải chỉ là một giải pháp tình thế.

Các chuyên gia cho rằng, khác với các chính sách hỗ trợ khác chủ yếu dành cho doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, qua đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế.

Kể từ cuối năm 2022, nhiều chuyên gia đã đề xuất vẫn nên tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm 2023 do doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp và người dân hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hậu đại dịch COVID-19. Đồng thời, nguy cơ lạm phát  vẫn hiện hữu và việc giảm thuế VAT cũng là một giải pháp tích cực giúp giảm nguy cơ lạm phát.

Đặc biệt, hiệu quả từ chính sách này được đánh giá rất tốt, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.

Đại diện VCCI cho rằng, trong các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế thì chính sách giảm thuế VAT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất và “suy cho cùng doanh nghiệp, người dân thụ hưởng trực tiếp nhất”.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu Ngân sách Nhà nước đạt 645.400 tỷ đồng, chi ngân sách Nhà nước ước đạt 500.300 tỷ đồng, ngân sách bội thu 145.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc giảm thuế VAT đặt ra trong bối cảnh tình hình thu ngân sách  của Việt Nam trong năm 2022 đã khá tốt, đạt và vượt chi tiêu tương đối tích cực do đó không gây áp lực lớn đến ngân sách mà ngược lại, chính sách này còn mang tới hiệu ứng tăng thu.

Điều này có nghĩa việc giảm thuế trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách mấy chục nghìn tỷ đồng, nhưng qua đó giúp kích thích hoạt động sản xuất tiêu dùng, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn.

Từ chính sách đón đầu thành giải pháp tình thế

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Ngay từ đầu năm TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng đã kiến nghị các chính sách giãn, hoãn giảm thuế cần được ban hành ngay từ đầu năm vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bởi lẽ ngay từ đầu năm đã có thể dự báo kinh tế thế giới khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Việt Nam.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới như vậy, cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp và người dân. ”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Thực tế đã cho thấy, trong quý I, tăng trưởng kinh tế giảm sâu, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao kỷ lục. Đó là lý do một số chuyên gia cho rằng, đáng ra việc giảm thuế VAT có thể là chính sách đón đầu thì bây giờ lại trở thành một giải pháp tình thế.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi việc giảm VAT "ngắt quãng" trong 5 tháng vừa qua.

"Nếu chúng ta thực hiện giảm thuế này từ đầu năm, tức nối tiếp của 2022 thì ảnh hưởng của nó với kinh tế sẽ tốt hơn. Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam giảm tốc trong quý I là nhu cầu từ nước ngoài suy giảm. Nhu cầu trong nước có tăng nhưng chưa đủ bù đắp. Do đó, nếu có biện pháp giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế năm nay", TS. Bình cho hay.

Giảm thuế VAT cũng giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vậy, chính sách này một mặt hỗ trợ tăng trưởng từ sản xuất, tiêu dùng; mặt khác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Hạ An