|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm lượng gạo xuất khẩu xuống 2-3 triệu tấn/năm: VFA vì ai?

19:30 | 15/12/2016
Chia sẻ
“Tôi nghĩ vấn đề không phải chúng ta giảm số lượng xuống mà phải làm sao tăng chất lượng gạo Việt Nam xuất đi để giá thành cao hơn”.

Đó là khẳng định của PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) với Đất Việt xung quanh ý kiến của đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam về việc Việt Nam chỉ cần xuất khẩu mỗi năm 2-3 triệu tấn gạo, thay vì 7-8 triệu tấn gạo/năm như hiện nay do có nhiều khó khăn.

PV: - Mới đây, tại hội thảo “Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong những năm tới, Việt Nam chỉ cần xuất khẩu mỗi năm 2-3 triệu tấn gạo, thay vì 7-8 triệu tấn gạo/năm như hiện nay.

Lý do được ông Năng đưa ra là việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn. Những quốc gia này đang có chiến lược tăng cường tự sản xuất lúa gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu vốn chủ yếu mua từ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hơn nữa ĐBSCL, nơi chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải tình trạng hạn hán, thiếu nguồn nước sản xuất, biến đổi khí hậu.

Ông nhìn nhận như thế nào trước thông tin trên? Theo ông, đưa ra định hướng như thế trong bối cảnh người nông dân vẫn chủ yếu trồng lúa và các kế hoạch chuyển đổi cây trồng vật nuôi vẫn đang thực hiện có phù hợp không và vì sao?

PGS.TS Dương Văn Chín: - Tôi nghĩ là vấn đề không phải chúng ta giảm số lượng xuống mà phải làm sao tăng chất lượng gạo Việt Nam xuất đi để giá thành mình cao hơn. Và hàng năm chúng ta tổng kết xem xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD tiền gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo thì thông số đó mới ý nghĩa hơn.

Tôi nghĩ cây lúa là cây quan trọng nhất với nông dân Việt Nam. Chúng ta không thể thấy khó khăn quá rồi trùng bước và nói rằng đổi cây khác. Đổi cây khác là cây gì? Sao dễ làm như cây lúa được.

giam luong gao xuat khau xuong 2 3 trieu tannam vfa vi ai
PGS.TS Dương Văn Chín khẳng định cần phải có những thay đổi thay vì cắt giảm lượng gạo xuất khẩu như VFA đang làm

Chúng ta vẫn phải duy trì trồng lúa nhưng vấn đề là phải chọn những giống lúa cao sản ngắn ngày, có thể trồng được 3 vụ trong năm nhưng chất lượng gạo, cơm rất ngon, có thể ngang với lúa mùa của Thái Lan và Campuchia để xuất khẩu với giá trị 700-800 USD/tấn. Khi đó chúng ta sẽ có nhiều ngoại tệ.

Khi trồng những giống lúa có chất lượng cao như vậy thì phải hết sức chú ý đến kỹ thuật trồng: phải chăm chút, phun thuốc như thế nào khi cần thiết, bón phân ra sao cho hợp lý để hạt gạo không có tồn dư các chất bảo vệ thực vật (BVTV), để gạo sản xuất ra là gạo an toàn. Và các nước giàu, các nước khắt khe về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chấp nhận gạo của Việt Nam là đảm bảo sức khỏe, để nhập với giá cao.

Nếu chúng ta đột ngột giảm từ 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu/ năm xuống còn 2-3 triệu tấn/năm thì người nông dân trồng lúa sẽ gặp nhiều khó khăn. Gạo thừa ra, Việt Nam ăn không hết thì để làm gì? Cho nên nhiều thành phần xã hội cùng giúp người nông dân trồng lúa chất lượng cao để bán được giá cao và thu nhiều ngoại tệ. Tôi nghĩ đó mới là vấn đề cần phải bàn đến và nên đi, chứ không phải thấy 7-8 triệu tấn gạo khó khăn rồi giảm xuống 2 triệu tấn.

PV: - Đặc biệt, trong phát biểu của vị lãnh đạo Hiệp hội Lương thực được báo chí trích dẫn, dường như cách tiếp cận của Hiệp hội là giảm lượng xuất khẩu khi thị trường bị thu hẹp.

Ông bình luận như thế nào về cách tiếp cận này? Theo ông, điều này đã đủ chưa? Và với vai trò là lãnh đạo Hiệp hội Lương thực, cách tiếp cận như thế có phù hợp hay không và đứng về quyền lợi của ai?

PGS.TS Dương Văn Chín: - Tôi không đồng tình với cách tiếp cận của lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Vị Chủ tịch nói vậy là không vì quyền lợi cũng như lợi ích người nông dân. Họ đứng trên góc độ người kinh doanh lúa cấp thấp.

Theo tôi, ngay cả khi Hiệp hội nói giảm nhưng người nông dân vẫn phải tiếp tục trồng lúa. Lấy gì đảm bảo người dân sẽ nghe theo. Đó là ruộng trồng lúa người dân vẫn phải trồng hàng năm. Như tôi đã nói ở trên, vấn đề không phải là tìm cách cắt giảm sản lượng gạo xuất khẩu mà chúng ta cần phải hướng dẫn nông dân trồng những giống lúa chất lượng thật cao.

Hiệp hội Lương thực thời gian vừa qua chưa làm được điều này. Họ có khoảng 140 doanh nghiệp nhưng phần lớn chưa có liên kết với người nông dân. Các doanh thuộc thuộc VFA chủ yếu đi mua gạo trôi nổi, đại trà dưới ghe, thuyền rồi trộn lẫn nhiều thứ với nhau nên phải bán giá rẻ. Mà với lúa gạo trộn lẫn thì dư lượng thuốc BVTV rất nhiều.

Tất cả những cái đó là do chúng ta thiếu nỗ lực, thiếu cố gắng. Nhiều doanh nghiệp chỉ ăn xổi ở thì, không làm căn cơ từ trồng trọt cho đến thu mua, tiêu thụ lúa gạo. Cho nên chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu và vai trò của VFA cần phải thể hiện rõ hơn ngoài việc những tuyên bố thiếu trách nhiệm.

PV: - Một điểm đáng lưu ý, thời gian gần đây, dư luận bất bình vì dù nằm trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng giá gạo VN quá thấp, người trồng lúa vẫn nghèo.

Có ý kiến cho rằng, tình trạng trên xảy ra không phải vì gạo Việt kém chất lượng mà bởi cơ chế điều hành xuất khẩu của VFA có quá nhiều bất cập. Do đó tuyên bố giảm xuất khẩu gạo xuống còn 2-3 triệu tấn/năm mà VFA đưa ra lần này chỉ là một động thái dỗi dằn khi Hiệp hội này chịu quá nhiều chỉ trích từ dư luận.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh như vậy, có thể hiểu ẩn ý đằng sau nó là gì, thưa ông? Vì sao VFA lại có phản ứng như vậy và các cơ quan quản lý cấp trên cần có phản ứng như thế nào trước vấn đề này?

PGS.TS Dương Văn Chín: - Đưa ra tuyên bố trên vào thời điểm này theo tôi phía VFA muốn trốn tránh trách nhiệm. Họ làm như vậy để không bị phê phán là không hoàn thành nhiệm vụ, không có định hướng phát triển lúa gạo.

Tôi nghĩ bây giờ Hội Nông dân, đại diện quyền lợi của người nông dân phải có tiếng nói với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Là đơn vị có toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước mà nói như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nông dân. Thì bây giờ Hội Nông dân phải lên tiếng về việc này để đảm bảo quyền lợi của hội viên, yêu cầu VFA có những chiến lược bài bản hơn.

Ngoài ra theo tôi, Bộ NN-PTNT cũng cần phải có những định hướng rõ ràng, cụ thể hơn. Bộ cần đề nghị với Nhà nước thay đổi Luật đất đai. Tức là sửa đổi Luật đất đai, cho phép buôn bán đất một cách tự do chứ không hạn điền 3 ha như hiện nay. Khi đó người nông dân có tiền sẽ mua đất, tích tụ lại thành 50-70 ha, hàng trăm ha. Trong điều kiện sở hữu diện tích rộng lớn thì người nông dân mới đầu tư, cơ giới hóa, sản xuất với quy trình hiện đại, giảm giá thành, bán ra mới cạnh tranh được với quá trình mà hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

Nếu chúng ta cho phép mua bán đất tự do thì Nhà nước có thể thu được số tiền rất lớn để tăng ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ Bộ NN-PTNT phải đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, với Nhà nước nên sửa đổi Luật đất đai ngay từ bây giờ.

Thực tế là năm 1988 sau đổi mới 2 năm, chúng ta có một cú hích rất lớn, đó là khoán 10. Việc cho phép người nông dân tự quyết định sản lượng, bán ở đâu đãtạo cho nền nông nghiệp Việt Nam một bước tiến rất lớn.

Bây giờ chúng ta đang ách tắc ở chỗ sản xuất nhỏ lẻ. Người dân trồng giống lúa và kỹ thuật của riêng họ. Cho nên chúng ta không có khối lượng hàng hóa lớn, không có những cú đấm thép để cạnh tranh với thị trường quốc tế. Chỉ có thay đổi như vậy Việt Nam mới tài cơ cấu thành công được.

PV: - VFA hiện được toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia đã chỉ ra điều phi lý nhất của cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay là VFA được giao định giá gạo xuất khẩu nhưng lợi nhuận của họ độc lập với giá gạo xuất khẩu. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu là thu nhập của nông dân nhưng nông dân không được quyền tham gia ý kiến.

Theo ông, về phía cơ quan quản lý, cần phải thay đổi như thế nào để hỗ trợ người dân và ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam? Nếu không kịp thay đổi, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam sẽ đối diện với viễn cảnh thế nào?

PGS.TS Dương Văn Chín: - Tôi hoàn toàn đồng tình với những nhận định trên. Hiệp hội Lương thực làm chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian qua.

Thực tế người nông dân gắn bó với cây lúa, đồng ruộng nhưng thu nhập của họ rất thấp. Cách làm cũ thì, những thương nhân bán gạo lẻ trong siêu thị được hưởng lợi nhiều nhất từ sản xuất lúa gạo, rồi kế đến là các nhà xuất khẩu, nhà buôn bán gạo trong nước, sau đó đến các nhà máy xay xát và người nông dân hưởng phần lợi nhỏ nhất trong tổng lợi nhuận trồng lúa.

Tôi nghĩ để giải quyết tình trạng trên, tôi nghĩ Hiệp hội Lương thực nên định hướng và động viên các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, theo chuỗi cung ứng. Tức là những doanh nghiệp đó phải đầu tư cho nông dân từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rồi cử chuyên viên tập huấn người nông dân theo đúng quy trình và thu mua sản phẩm đó cho người nông dân và bán trong nước hoặc xuất khẩu.

Khi đó người nông dân được quyền tham gia, biết quá trình sản xuất đó giai đoạn nào lời lãi được bao nhiêu và doanh nghiệp chỉ hưởng lợi 1 phần vừa phải thôi. Những phần lợi khác sẽ được tăng cho người nông dân. Như vậy mới khích lệ được người nông dân trong sản xuất gạo và duy trì trồng lúa.

Ngoài ra, Hiệp hội phải động viên những doanh nghiệp trong hiệp hội của mình đi xuống ký kết với nông dân lập thành những vùng nguyên liệu rộng lớn. Với những doanh nghiệp có năng lực vừa phải thì xuống ký chừng 2000-3000 ha. Những doanh nghiệp có điều kiện hơn thì ký từ 10.000 – 15.000 ha vùng nguyên liệu. Những doanh nghiệp thật sự mạnh thì ký 50.000 – 70.000 ha. Như vậy mỗi một doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu. Cần phải để người nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp, sản xuất ra lúa gạo mới.

Nếu cứ tiếp tục như hiện nay không thay đổi tôi cho rằng người nông dân sẽ bỏ ruộng đi, không trồng nữa. Khi đó đương nhiên lương thực sẽ sụt giảm và giảm đến một mức nào đó chúng ta không có lúa gạo để đảm bảo cho 90 triệu dân của Việt Nam đủ ăn. Nếu gạo sản xuất không đáp ứng được nhu cầu của người dân, để đói thì sẽ gây rối loạn xã hội. Đó là nguy cơ rất lớn. Nếu người nông dân quá nghèo thì sẽ bất ổn về mặt chính trị.

Trong trường hợp đưa ra những chính sách khuyến khích sản xuất thì các ngành nghề khác cũng phát triển theo rất thuận lợi. Người nông dân càng giàu thì họ mua hàng công nghiệp càng nhiều. Như thế giúp cho công nghiệp, dịch vụ ở thành phố phát triển. Khi công nghiệp và nông nghiệp cùng phát triển thì đất nước mới vững bền và an ninh chính trị, xã hội mới được giữ gìn.

PV: - Xin cảm ơn PGS.TS Dương Văn Chín đã trao đổi với Đất Việt.

Nguyễn Hoàn