|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Phân tích BSC: Chứng khoán tái lập các phiên giao dịch tỷ USD, NĐT đang dần tự tin hơn về triển vọng của các doanh nghiệp trên sàn

12:40 | 08/08/2023
Chia sẻ
Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân Chứng khoán BIDV (BSC),thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế thật từ 1 – 3 quý, nên chúng ta có thể phần nào đó nhận định những gì khó khăn nhất đã tạo đáy vào quý II và nền kinh tế sẽ có những bước phục hồi tốt hơn vào quý III, IV năm nay và đầu năm 2024.

Các định chế tài chính quốc tế như World Bank hay IMF đều đã chính thức nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023, sau một thời gian dài nền kinh tế thế giới vật lộn với những khó khăn và thách thức.

Trong khi đó, các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ hay châu Âu cũng đã phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Vậy triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ như thế nào, qua đó tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC). (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngay sau khi các quốc gia lớn trên thế giới công bố GDP quý II tốt hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là Hoa Kỳ thì những tổ chức quốc tế như World Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đồng loạt tăng mức dự báo GDP của toàn cầu, cho thấy một tín hiệu rằng sự phục hồi của rất nhiều nền kinh tế đang tốt hơn so với dự kiến.

Cách đây vài tháng, “suy thoái” là từ được nhắc đến nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trong khi đó, thời gian gần đây những tổ chức lớn cũng đưa ra kịch bản mức độ suy thoái sẽ khá nhẹ nhàng. Nền kinh tế thế giới có thể sẽ hạ cánh mềm, cùng nhịp với tăng trưởng cao hơn so với mức độ kỳ vọng, bất chấp câu chuyện tăng trưởng Trung Quốc chưa được phục hồi mạnh mẽ như trước đây.

Quý vừa qua, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,3%, là mức thấp hơn dự kiến nhưng cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng trên 5% vào đầu quý I. Các tổ chức đều đang chung một góc nhìn là từ nay đến cuối năm và đầu năm sau thì vấn đề suy thoái có thể diễn ra nhẹ nhàng hơn và đâu đó kịch bản hạ cánh mềm đang chiếm ưu thế.

Về khả năng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5% như đã đề ra, ông Long cho rằng Việt Nam là một quốc gia có tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á hay ở các quốc gia mới nổi. Chính vì vậy chúng ta cũng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tăng trưởng kinh tế và phục hồi của các quốc gia “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

“Những dấu hiệu tương đối tốt về phục hồi kinh tế đã diễn ra ở Hoa Kỳ và châu Âu và một phần ở Nhật Bản, khiến cho nhu cầu về mặt đơn hàng sẽ phục hồi tốt hơn. Trong nước, hiện tại những tín hiệu về đầu tư công vẫn khá tốt, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ trên 22 – 23%.

Đối với cầu tiêu dùng, tôi cho rằng sẽ mất thêm một chút thời gian để phục hồi. Nếu kinh tế thế giới hạ cánh mềm, các quốc gia lớn phục hồi kinh tế thì chúng ta sẽ có lợi thế để tăng trưởng GDP vào dịp cuối năm. Do đó, tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 5,5 – 5,6% GDP vào cuối năm nay”.

Với thị trường chứng khoán, Giám đốc Chứng khoán BSC đánh giá không chỉ riêng Việt Nam, các chỉ số chứng khoán chính ở các quốc gia lớn đều tăng trưởng rất mạnh, điển hình là chỉ số Nasdaq khoảng 36%, chỉ số Nikkei 225 cũng tăng trưởng khoảng 28%, đa số các thị trường châu Âu tăng trưởng trên 20%. Mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 20 – 21%, tương đương với các thị trường trên thế giới, trong khi năm ngoái VN-Index lại giảm mạnh hơn.

“Thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế thật từ 1 – 3 quý, nên chúng ta có thể phần nào đó nhận định những gì khó khăn nhất đã tạo đáy vào quý II và nền kinh tế sẽ có những bước phục hồi tốt hơn vào quý III, IV năm nay và đầu năm 2024.

Thanh khoản của thị trường cũng bắt đầu tiệm cận những phiên cao điểm của năm ngoái là trên 1 tỷ USD, cho thấy các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đang bắt đầu cảm thấy tự tin trở lại vào tương lai phát triển của các doanh nghiệp trên sàn”.

Bàn về chiến lược đầu tư trong bối cảnh hiện nay, ông Long đánh giá, trong một chu kỳ luôn xuất hiện những nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu được quan tâm hơn và có triển vọng khả quan hơn so với thị trường chung, thậm chí là tăng vượt hơn so với đỉnh của năm ngoái. Vào thời điểm hiện tại, chuyên gia cho rằng sau một giai đoạn dài tăng trưởng từ 7 đến 8 tháng thì các nhà đầu tư cũng cần phải có sự thận trọng nhất định trong việc phân bổ cổ phiếu.

Có hai xu hướng mà nhà đầu tư có thể tham khảo. Thứ nhất là những nhóm ngành tương đối cơ bản nhưng chưa tăng giá quá nhiều trong giai đoạn vừa qua, điển hình như ngân hàng hay bán lẻ.

Nhóm thứ hai các nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời gian gần đây là các ngành kinh doanh có lợi thế nhất định về mặt chu kỳ, chính sách hỗ trợ hay thị trường quốc tế đang thuận lợi, có thể kể đến như dầu khí, hóa chất, phân bón hay lương thực thực phẩm. Đồng thời lĩnh vực tài chính như chứng khoán cũng có triển vọng tốt khi thanh khoản trung bình đang về mức cao của năm 2022.

Linh Chi

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.