Giám đốc Đầu tư VinaCapital khuyến nghị gì cho nhà đầu tư ‘đứng ngoài quan sát’ những tháng qua?
Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành quỹ VINACAPITAL-VEOF, VINACAPITAL-VIBF đã chỉ ra bối cảnh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm có nhiều sáng tối đan xen.
Điểm tiêu cực là kinh tế đã tăng trưởng chậm lại, GDP tăng 3,7%, thấp thứ hai trong 13 năm gần nhất. Sản xuất công nghiệp giảm 1,2%, xuất khẩu giảm 12,15%, nhập khẩu giảm 18,2%.
Tuy vậy, lạm phát đã thấp hơn kỳ vọng và lãi suất đã giảm nhanh hơn kỳ vọng. “Có thể nói nếu không có hai yếu tố này, thị trường chứng khoán khó mà tăng được 11% trong 6 tháng đầu năm nay”, vị chuyên gia nhận định. Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng giải ngân FDI tăng 0,5% cũng là một điểm sáng nửa đầu năm, cùng với đó là giải ngân vốn ngân sách nhà nước tăng 20,5% hay lượng khách quốc tế tăng 826% (gấp hơn 9 lần).
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là điểm vướng mắc của nhiều nhà đầu tư. Ông Phạm Minh Thắng, Trưởng phòng Đầu tư, Nhà điều hành quỹ VINACAPITAL-VIBF, VINACAPITAL-VFF cho biết, tỷ trọng giá trị trái phiếu đang lưu hành đã giảm còn 11,6% GDP, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm thị trường bùng nổi vào cuối 2021 (18,2% GDP), tức thị trường thu hẹp khoảng 30%.
Trong khi đó, trái phiếu chậm thanh toán tiếp tục tăng lên 98.000 tỷ đồng, lượng trái phiếu chậm thanh toán chiếm khoảng 7,8% dư nợ toàn thị trường trái phiếu. 73% trái phiếu chậm thanh toán thuộc ngành bất động sản.
Tuy vậy, thị trường cũng đã có những tín hiệu hồi phục. Ông Thắng nhận định những khó khăn nhất của thị trường trái phiếu đã qua đi và thị trường kỳ vọng bắt đầu phục hồi. Về phía chính quyền, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường đã được ban hành từ đầu năm thông qua Nghị định 08, Thông tư 02, giảm lãi suất điều hành, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản...
Một điểm mới trong thời gian tới là việc Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về xây dựng sàn giao dịch tập trung đối với trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, dự kiến vận hành trong quý III. Ông Thắng đánh giá cao động thái này, vì sẽ giúp cho thanh khoản TPDN cải thiện, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận của nhà đầu tư, qua đó vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
VinaCapital dự báo năm 2023, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,75%. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng sẽ hồi phục.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có nhiều diễn biến tích cực, VN-Index ghi nhận tăng 11% lên trên 1.100 điểm và thậm chí còn tăng lên 1.168 điểm tại phiên 14/7. Một số nhà đầu tư đã bỏ lỡ những cơn sóng vừa qua.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Đinh Đức Minh cho rằng đầu tư trước tiên cần xem về mặt định giá, “cái gì rẻ thì nên mua, đắt thì nên cẩn trọng lại”. Dựa trên chỉ số P/B, ông Minh cho biết thị trường vẫn đang nằm trong vùng giá thấp nhất so với trung bình 10 năm qua. Khi thị trường rơi về vùng định giá thấp thì đà phục hồi có thể kéo dài nhiều năm. Vị giám đốc cũng khuyên nhà đầu tư không nhất thiết phải mua ở đáy thị trường. Xu hướng dài hạn của TTCK là tăng, nếu thấy vùng giá hợp lý thì vẫn đầu tư được.
Nếu so với trong khu vực ASEAN, thị trường Việt Nam đang “rẻ” hơn khoảng 15% và các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường rẻ hơn, nhất là khi Việt Nam đang đặt mục tiêu nâng hạng trong 1-2 năm tới.
Tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết năm 2023 sẽ thấp. Tuy vậy, con số này năm 2024 dự báo sẽ đạt trung bình trên 20%, cao hơn hẳn các thị trường khác trong ASEAN và là động lực của TTCK trong tương lai.
Về yếu tố dòng tiền, theo thống kê của VinaCapital, trong giai đoạn lãi suất cao (tháng 10/2020 đến tháng 4/2023), tiền gửi cá nhân ở trong ngân hàng đã tăng 700.000 tỷ đồng, là con số rất đáng kể. Lãi suất huy động hiện đã giảm 150 điểm cơ bản. Theo đó, ông Minh cho rằng có khả năng một phần tiền gửi ngân hàng đã được rút ra và đi vào các kênh đầu tư khác, bao gồm chứng khoán. “Tuy không thể kỳ vọng toàn bộ 700.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán nhưng chỉ cần một phần cũng đã là tích cực cho thị trường”, vị giám đốc kỳ vọng.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm đầu tư, ông Minh cho biết ở một số thời điểm sẽ có những sự kiện xảy ra và tác động đến một số ngành. Đó là những yếu tố mà nhà đầu tư nên quan tâm để đánh giá triển vọng của thị trường và cổ phiếu.
Cho giai đoạn 6 tháng cuối năm, VinaCapital cho biết có thay đổi một chút về chiến lược đầu tư so với đầu năm. Trong đó, đơn vị vẫn giữ nguyên các nhóm đầu tư như: Đầu tư cơ sở hạ tầng (vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản), nhóm hưởng lợi sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc (khu công nghiệp, cảng biển, kho vận), nhóm hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nhóm năng lượng (dầu khí, phát điện).
Điểm mới là VinaCapital không còn chủ đề đầu tư từ triển vọng Trung Quốc mở cửa trở lại, lý do là nước láng giềng đã mở cửa rồi. Thay vào đó, nhóm hàng tiêu dùng, bán lẻ sẽ được quan tâm nhờ nhu cầu trong nước hồi phục hay tìm kiếm cơ hội ở nhóm xuất khẩu, cảng biển, kho vận nhờ yếu tố xuất khẩu hồi phục.
Lý giải kỳ vọng về xuất khẩu khởi sắc, phía VinaCaiptal cho biết đã theo dõi lượng hàng tồn kho của Mỹ vào cuối năm ngoái và đầu năm nay rất cao nhưng đã giảm vào những tháng gần đây. Từ đó, các chuyên gia suy đoán rằng các khách hàng từ Mỹ hay Châu Âu sẽ tăng đặt hàng từ các nước như Việt Nam, giúp tăng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam có thể trở lại vào cuối năm nay. Điều này cũng giúp lao động trong các ngành này có thu nhập tốt hơn, kéo theo tiêu dùng trong nước cải thiện.