|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ABS: Hai kịch bản thị trường và các nhóm ngành triển vọng tháng 7

07:30 | 11/07/2023
Chia sẻ
Danh mục tháng 7 của ABS tập trung các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ đầu tư công, chính sách năng lượng, gia tăng xuất khẩu, hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá USD/VND và xu hướng giá hàng hóa thế giới hỗ trợ tích cực.

Hai kịch bản thị trường tháng 7

Trong Báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 7.

Kịch bản 1 (xác suất cao), thị trường đã xuất hiện những biến động mạnh và các phiên tăng dần trở nên yếu hơn trong khi các phiên giảm điểm đang cho thấy biên độ giảm mạnh hơn. Đây là tín hiệu cho thấy lực bán đang gia tăng gần vùng kháng cự 1.140 điểm.

Khi chỉ số đánh mất vùng hỗ trợ 1.100 thì sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh xuống tới vùng hỗ trợ 1.080 điểm. Mức hỗ trợ 1.080 là mức cần quan sát xem thị trường còn giữ được xu hướng tăng giá không, nếu không thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm về vùng hỗ trợ 1.030 điểm.

Kịch bản 2, chỉ số bước vào xu hướng đi ngang ngắn hạn trong vùng 1.100 – 1.140 điểm. Biên độ dao động và khối lượng giao dịch dần thu hẹp, thị trường hấp thụ lượng cung bán ra tại vùng này và chuẩn bị một nhịp tăng giá mới khi vượt qua vùng kháng cự 1.140 và hướng tới vùng kháng cự tiếp theo ở 1.200 điểm.

Do nghiêng về khả năng chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh theo kịch bản 1, ABS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên việc quản trị rủi ro trong tháng 7, hạn chế giao dịch và giảm kỳ vọng biên độ tăng giá của cổ phiếu.

Kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7. Nguồn: ABS.

Các nhóm ngành triển vọng tháng 7

Danh mục tháng 7 của ABS tập trung các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ đầu tư công, chính sách năng lượng, gia tăng xuất khẩu, hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá USD/VND và xu hướng giá hàng hóa thế giới hỗ trợ tích cực.

Bao gồm, ngành năng lượng (dầu khí - điện), được ưu tiên cho cả giai đoạn 2023 – 2024 nhờ nhu cầu năng lượng gia tăng, chuyến dịch cơ cấu huy động nguồn điện và việc triển khai các dự án dầu khí lớn. Bên cạnh đó, các cổ phiếu đầu tư công (xây dựng cơ sở hạ tầng, xi măng, nhựa đường, đá xây dựng...) cũng được ưu tiên cho cả giai đoạn trên. Do đó, khi VN-Index điều chỉnh mạnh là cơ hội để nhà đầu tư tham gia trở lại với các ngành này.

Ngành cảng biển, kỳ vọng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và trung chuyển phục hồi từ quý IV nhờ vào lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu quay trở lại là động lực tăng giá ngắn hạn cho các cổ phiếu nhóm ngành này.

Ngành thủy sản, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản hồi phục trong nửa cuối năm do nhu cầu tăng trở lại, mức tồn kho tại các nước nhập khẩu giảm và lạm phát hạ nhiệt. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý II đã cho thấy dấu hiệu phục hồi, chi phí vận tải giảm do nguồn cung tàu và container đang dư thừa cùng với việc giá dầu đang trong xu hướng điều chỉnh.

Ngành dệt may, xuất khẩu dệt may đã có sự cải thiện trong tháng 5 khi kim ngạch xuất khẩu tăng 14,8% so với tháng trước và chỉ còn giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp dệt may có thể kỳ vọng vào sự phục hồi kinh doanh trong quý IV khi nền kinh tế hồi phục, lạm phát tại các thị trường lớn (Mỹ, châu Âu) giảm và mức nền thấp của nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm nay.

Ngành phân bón, thuế xuất khẩu NPK giảm về 0% từ ngày 15/7 thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Nhu cầu phân bón tăng do vào mùa vụ gieo trồng hè thu (tháng 4 - tháng 9), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tận dụng cơ hội giá gạo cao để gia tăng sản xuất khéo theo cầu phân bón tăng. Ngoài ra, Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen hết hiệu lực vào 17/7, nếu không được gia hạn thì nguy cơ khủng hoảng lương thực sẽ diễn ra. Điều này khiến các nước Trung Đông đẩy mạnh sản xuất lương thực trong nước, nhu cầu phân bón tăng.

Ngành hóa chất, đối với DGC, doanh nghiệp hưởng lợi từ cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai quốc gia này có những biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện sản xuất chip bán dẫn. Ngoài ra các ngành lương thực, thực phẩm như gạo, thịt lợn, đường, sữa… có nhiều cố phiếu có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ xu hướng giá cả nguyên vật liệu và giá sản phẩm thuận lợi.

Diệu Nhi