Giảm chi phí logistics: Gắn kết giữa doanh nghiệp vận tải và nông dân
Ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chi phí dành cho logistics của nông sản Việt chiếm trên 20%.
Logistics không chỉ là hậu cần mà còn là giống, vật tư, đầu vào, chăn nuôi, đến xây dựng vùng nguyên liệu, sản phẩm đầu ra, chuỗi thu mua, kênh bán buôn, bán lẻ, vận chuyển đến khách hàng. Quy mô logistics của Việt Nam khá khiêm tốn, phần lớn bị đứt đoạn và thủ công.
Ông Triệu Thành Nam cho rằng, Việt Nam cần đầu tư sâu và rộng hơn nữa cho ngành logistics để quy mô sản xuất hàng hoá có thể phát triển tương xứng.
Là doanh nghiệp nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam chia sẻ, đây là vấn đề rất "đau đầu" với tất cả những đơn vị đang tham gia chuỗi giá trị nông sản Việt.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng, do tính mùa vụ và manh mún, nông dân hay doanh nghiệp không dám đầu tư lớn cho đội xe, nhà kho chỉ để phục vụ những sản phẩm làm được một mùa hay một vài tháng.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp chưa xây dựng được lòng tin giữa ngành nông sản và ngành logistics.
Tỷ lệ mua ngoài về dịch vụ logistics hiện nay cần tăng lên. Nhiều doanh nghiệp nông sản tự duy trì đội xe, nhà kho, hay năng lực vận chuyển cho chính bản thân mình. Điều này thể hiện họ không có lòng tin với doanh nghiệp logistics.
"Mùa cao điểm của nông sản Việt, chi phí vận chuyển Bắc - Nam khá cao. Một doanh nghiệp ở Bình Thuận có khi phải trả đến 70 triệu đồng cho một container đi lên cửa khẩu", ông Trần Đức Nghĩa cho hay.
Ông Triệu Thành Nam cho biết, trong vận chuyển nông sản ở nhiều nước trên thế giới linh hoạt cả đường sắt, đường thuỷ.
Việt Nam chủ yếu sử dụng đường bộ. Việt Nam cần phải đầu tư về hạ tầng nhiều hơn nữa để giảm chi phí, đồng thời đa dạng hoá phương thức vận chuyển.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, để giảm tỷ trọng logistics là tăng khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải. Hiệu quả của vận tải thuỷ gấp 200 lần vận tải đường bộ và chi phí vận hành cũng ít hơn. Nếu giảm tỷ trọng đường bộ xuống thì bức tranh logistics sẽ khác.
Ngoài ra, ở một số quốc gia chi phí logistics thấp, hoạt động hiệu quả, bởi họ có 10-20% lượng xe trọng tải dưới 5 tấn.
Còn ở Việt Nam, xe tải dưới 5 tấn là 80%. Điều này cho thấy, ngay trong hoạt động vận tải đường bộ ở Việt Nam cũng thiếu hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng đánh giá, Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, trong khi đường thuỷ, đường biển rất tiềm năng, chi phí rất rẻ.
Có thể khai thác tốt những loại hình mới này sẽ giúp nông sản được bớt giá thành, người nông dân và doanh nghiệp bớt lo "được mùa, mất giá”.
Ngoài ra, bà Hằng cũng gợi ý, cơ quan chức năng cần cho phép những xe tải lớn hơn, vận chuyển thực phẩm vào trong thành phố với nhiều khung giờ hơn như dán một loại tem ưu tiên, nhằm giảm những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.