|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải tỏa công suất là thách thức của các dự án năng lượng mặt trời

20:51 | 31/05/2019
Chia sẻ
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vấn đề khó khăn của một dự án năng lượng mặt trời là giải tỏa công suất. Để đầu tư được một hệ thống lưới điện 220 kv cần 3 – 5 năm, nếu đầu tư hệ thống 500 kv cần thời gian dài hơn.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 5/2019 vào chiều ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều dự án về năng lượng tái tạo. 

Ông nhận định đây là một chính sách hết sức đúng đắn khi nguy cơ thiếu điện hiện hữu trong thời gian tới. 

"Điện hạt nhân đã ngừng sử dụng, thủy điện đang dần cạn kiệt, nhiệt điện gây nhiều tác hại. Một định hướng là tập trung vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời…", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết trong khi nhiều dự án Bộ Công Thương tiếp nhận, một số dự án đã đi vào hoạt động và sắp đi vào hoạt động, vấn đề đầu nối vào mạng lưới điện quốc gia đang rất được quan tâm vì cần đầu tư và yếu tố kĩ thuật của ngành điện.

Theo đại diện EVN để đáp ứng được yêu cầu về đấu nối đầu tiên phải thực hiện các văn bản pháp qui do Bộ Công Thương qui định.

Để giải quyết vấn đề văn bản qui định, trong tháng 3, EVN đã họp với các nhà đầu tư đã kí hợp đồng mua bán điện với tập đoàn, với khoảng hơn 200 nhà đầu tư đã đến để cùng bàn bạc các biện pháp nhằm tháo gỡ để giải tỏa công suất nhanh nhất.

EVN cũng thành lập các tổ công tác tại các tổng công ty điện lực tại những khu vực có nhiều dự án điện mặt trời ở cả các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; thực hiện một trang web để các nhà đầu tư có thể theo dõi tiến độ đấu nối, hồ sơ cần thiết phải thực hiện theo qui định của Bộ Cộng Thương.

Đồng thời, thực hiện rút ngắn thời gian các nhà đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ, theo đại diện EVN. Cụ thể, một số qui định như phải nộp hồ sơ trước 60 – 90 ngày thì chỉ yêu cầu nộp trước 45 ngày; việc liên quan đến điều độ khoảng thời gian là 20 ngày giải quyết trong 10 - 15 ngày; và đến thời điểm khai báo đấu nối thì thực hiện trong khoảng 2 - 10 ngày. 

Những qui định của nhà nước, Bộ Công thương sẽ được rút ngắn hơn một nửa thời gian để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là toàn bộ hệ thống này được khai báo trực tuyến, đại diện EVN cho biết.

Mặc dù vậy, vấn đề khó khăn là giải tỏa công suất. Để đầu tư được một hệ thống lưới điện 220 kV cần 3 – 5 năm, nếu đầu tư hệ thống 500 kV cần thời gian dài hơn.

Trong đó, các thủ tục liên quan đến đất đai là lâu nhất, các thủ tục về đầu tư và chuẩn bị đầu tư không mất nhiều thời gian nhưng liên quan đất rừng, đất canh tác cần phải xin ý kiến thủ tướng. Vì vậy quá trình thực hiện đấu nối cần thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, theo đại diện EVN, tập đoàn vẫn đáp ứng được tiến độ của nhà đầu tư.

Lyly Cao