|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết 'thế yếu chết người' của ngành tôm Việt Nam

17:30 | 16/04/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh toàn cầu còn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung quan tâm vào an toàn thực phẩm và giá cả. Tôm Việt có thế mạnh nhưng cũng có "thế yếu chết người" đó là giá đầu vào cao, giá thành cao, giá chào bán cao

"Bóng tối" vẫn bao trùm ngành tôm Việt ngay từ đầu năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 3 ở thành phố Boston (Mỹ), Hội chợ Thủy sản hàng đầu thế giới đã diễn ra. Thời điểm này Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tất bật cải tạo ao nuôi. Ở hội chợ, các nhà cung ứng tôm từ Ấn Độ và Indonesia đã có tôm chào bán.

Bước sang năm 2019, giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc sau một năm 2018 đầy ảm đạm. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá tôm sú ướp đá giảm do các đơn hàng xuất khẩu đầu năm chưa cao nên doanh nghiệp giảm giá thu mua. 

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú sống cỡ 20 - 40 con/kg giảm 40.000 - 70.000 đồng/kg so với tháng 2, dao động ở mức 190.000 – 300.000 đồng/kg. Giá tôm sú ướp đá cỡ cỡ 20 - 30 con/kg giảm 30.000 đồng/kg đạt 145.000 - 215.000 đồng/kg.

Giải quyết thế yếu chết người của ngành tôm Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo TS.Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, năm 2018, giá tôm chào bán của Ấn Độ và Indonesia ban đầu khá tốt. Tuy nhiên, do tồn kho ở Mỹ còn khá, việc mua bán không trôi chảy, giá chào cứ giảm dần nhằm thu hút bên mua.

Hệ quả, đầu tháng 5/2018, giá tôm tươi ở Việt Nam bị giảm mạnh đột ngột, thậm chí trên 30.000 đồng/kg.

Năm nay, tính đến tháng 4, tôm từ Ấn Độ được chào rất rẻ. Đầu vụ, họ chưa có tôm lớn, tập trung chào tôm cỡ 50 - 60 con/kg. 

Ông Lực cho hay hiện tại khu vực ĐBSCL đang thả giống, nhưng chưa nhiều. Ví dụ như tại Sóc Trăng  tới thời điểm này trong khoảng 10-15% diện tích.

Đầu vụ năm 2019, giá tôm giống và thức ăn đều tăng. Đây là một chấm phá làm bức tranh tôm Việt thêm nét ảm đạm. Giá đầu vào tăng, giá đầu ra giảm, người nuôi làm sao đủ ý chí theo đuổi cái nghiệp con tôm của mình! Cơ quan chức năng sao xa vời, chủ nợ thì kế bên...

TS.Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP

Nhiều dự báo đưa ra rằng tôm Ecuador, tôm Ấn Độ, tôm Indonesia, tôm Thái Lan, tôm Việt đều tăng khiến mức cung chung cũng có thể tăng theo. Do đó, ông Lực cho rằng các nhà tiêu thụ, không cần mua dự trữ, kí hợp đồng nhiều, dài hạn.

Trong khi đó, nhà cung ứng sẽ thiếu đơn hàng, tâm lí lo âu. Giá nào cũng cố kí ít nhiều cho có.

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho hay chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng thủy sản nội địa bằng cách đẩy mạnh thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất giống. Trong đó, hiện có 4 trại sản xuất giống với năng lực sản xuất 250.000 con cá giống nước ngọt và 4.350.000 con tôm giống đã được đi vào xây dựng. 

Bên cạnh đó, nước này dự định sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh nuôi tôm sú truyền thống tại Tây Bengal, Kerala và Karnataka nhằm đẩy mạnh thương mại tôm sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 - sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản. 

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ khi xuất khẩu thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm sú) sang thị trường truyền thống của mình là Nhật Bản.

Theo ông Lực do kí hợp đồng giá bán thấp, các nhà máy chế biến tôm Việt mong các hộ nông dân nuôi nhiều, cung tăng, kéo theo giá xuống thấp. Người nuôi, nếu biết trước dù trúng vụ mà không lời (hoặc lời thấp) có thể treo ao.

Người nuôi treo ao, cung thiếu, giá tôm nguyên liệu sẽ cao, các nhà máy chế biến vì áp lực trả nợ hợp đồng sẽ bị thiệt hại. Vì vậy, cả hai bên đều chịu thiệt hại trong hoàn cảnh này.

Giá thành cao: "Thế yếu chết người" của tôm Việt

Nguyên chủ tịch VASEP cho rằng nếu cung cầu ổn định (và cung tăng nhẹ) là lí tưởng cho việc mua bán. Sẽ không có những biến động quá lớn về giá. Các nhà máy chế biến Việt sẽ có nhiều thời gian cho việc phát huy thế mạnh của mình, chế biến hàng cao cấp có tỉ suất lợi nhuận cao, chia sẻ phần nào với người nuôi thông qua giá mua tôm nguyên liệu tốt hơn.

"Cái bánh thị trường thế giới chỉ lớn một chút so năm trước. Ai muốn dành phần nhiều, phải có ưu thế so đối thủ. Ưu thế đó là uy tín thương hiệu, hàng an toàn thực phẩm, là giá cả, là trình độ chế biến…", ông Lực nhận định.

Trong bối cảnh toàn cầu còn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung quan tâm vào an toàn thực phẩm và giá cả. Tôm Việt có thế mạnh nhưng cũng có thế 'yếu chết người' đó là giá đầu vào cao, giá thành cao, giá chào bán cao!

TS.Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP

Một trong những nỗ lực áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nhằm giảm giá thành được ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị. Theo đó, trong buổi làm việc với Công ty cổ phần Camimex Group diễn ra vào ngày 9/4, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh xác định đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm đạt 1.500 ha và hình thành một số vùng nuôi tôm công nghệ cao, tổng sản lượng đạt khoảng 8.800 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 1.500 tỉ đồng...

UBND tỉnh và Công ty cổ phần Camimex Group đã kí kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, liên kết phát triển nuôi tôm. Công ty sẽ chọn vị trí thích hợp để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản để thu mua tiêu thụ sản phẩm cho bà con khi có đủ điều kiện trong thời gian tới, công suất dự kiến 5.000 – 7.000 tấn/năm.

Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, ông Lực khuyến cáo ngành nên khuyến khích nuôi một vụ "ăn chắc" và làm sao thu tôm cỡ lớn. 

Bên cạnh đó, ngành cũng nên quan tâm nuôi tôm sú cỡ lớn bởi còn dư địa thị trường cho mặt hàng này. 

Những khu vực chưa đủ điều kiện an toàn (sinh học) nuôi nên có khuyến cáo đừng thả giống tràn lan, dễ nảy sinh dịch bệnh ảnh hưởng chung quanh, không thả giống ồ ạt tập trung, khó tiêu thụ khi ồ ạt thu hoạch.

Một tín hiệu tốt là hiện nay người nuôi đã tự lo khá tốt. Ví dụ Sóc Trăng luôn thả giống tôm sau Bến Tre, Trà Vinh. Còn vùng quảng canh quy mô lớn Cà Mau, Bạc Liêu thì có tôm khá đều đặn. 

Đối với các cơ sở tôm giống, thức ăn, nguyên chủ tịch VASEP khuyến cáo nên chia sẻ tốt hơn với người nuôi. Năm 2018, trong tháng 5 giá tôm giảm mạnh, rất nhiều ao dừng thả khiến các cơ sở tôm giống khuyến mại mua một con tặng một con. 

Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải chăm lo uy tín thương hiệu. Việc này quan trọng nhất, phải kiên trì, bền lâu, dù đôi lúc bị thiệt hại; nhưng lâu dài tôm Việt mới có thể bơi lên kệ các hệ thống tiêu thụ cao cấp các nước tiên tiến, mới nâng được tầm tôm Việt. 

"Mua có bạn bán có phường, nhưng thật ra các nhà cung ứng tôm Việt đang quần nhau tơi tả qua đòn bẫy giá!" ông Lực nói.


Đức Quỳnh