|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết các khâu trung gian để ổn định giá heo

06:45 | 26/10/2018
Chia sẻ
Sản xuất 3,5 - 3,7 triệu tấn thịt heo mỗi năm và 75% sản lượng thịt tiêu thụ là thịt heo, nhưng ngành chăn nuôi heo Việt Nam vẫn rất bấp bênh, khi giá heo vẫn đang được một bên không chính thống định giá và chưa có một hệ thống quản lý thống nhất.

Thương lái là một trong những khâu phân phối heo và thịt heo tại thị trường Việt Nam, nhưng việc có quá nhiều thương lái, tương đương với việc gia tăng bên trung gian, lại khiến thị trường mất ổn định.

Ai định giá heo trên thị trường?

Hiện ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam vẫn chủ yếu là tự phát nên đầu ra phải phụ thuộc vào thương lái, giá heo hơi xuất chuồng cũng do các bên trung gian định giá.

Theo khảo sát, tỷ lệ trang trại chăn nuôi heo bán sản phẩm theo hình thức có hợp đồng đạt 6,5 - 10,5% các trang trại điều tra. Còn lại phần lớn hiện nay bán cho các lò mổ theo mối quen biết từ trước (75,5 - 85,5%) hoặc bán cho thương lái (8 - 15%).

Điều này dẫn tới nhiều bất lợi cho người chăn nuôi và cả người tiêu dùng, khi giá do một bên không chính thống quản lý.

Nguyên nhân là dù nguồn cung lớn trong giai đoạn khủng hoảng giá heo giảm sâu như trong năm 2017, giá thịt heo bán tại chợ và các siêu thị vẫn tăng gấp 3 – 4 lần so với giá bán tại trại, vào thời điểm đó là khoảng 20.000 đồng/kg.

Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa kiểm soát hoạt động của bên trung gian này, giúp thương lái có quyền chủ động trong việc điều phối nguồn cung và giá trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá nên được hình thành dựa trên thông tin tổng hợp từ các công ty, người chăn nuôi và tình hình thị trường biến động hàng ngày.

Cũng theo ông Công, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Naiđã xây dựng được thông tin về giá trên toàn quốc dựa theo các yếu tố này và được đăng tải trên cổng thông tin hay trên mạng xã hội Zalo.

Kênh thông tin này sẽ giúp người chăn nuôi nắm được giá thu mua tại khu vực của mình, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo khi có hiện tượng thương lái ép giá.

Mặc dù vậy, đây không phải là một biện pháp mang tính chất bền vững.

giai quyet cac khau trung gian de on dinh gia heo
Ảnh: propertydepot.ph

Giảm bớt trung gian thông qua mô hình chuỗi, hợp tác xã và vài trò của nhà nước

Ông Công nhấn mạnh, tầm quan trọng của ngành sản xuất, buôn bán thực phẩm là kiểm soát nguồn gốc. Ngược lại, nếu buông lỏng việc buôn bán thực phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và bảo quản, thì sẽ không kiểm soát được.

Một khi các vấn đề được kiểm soát, thương lái buộc phải đi theo quy trình giết mổ, chăn nuôi. Và ông Công nói: “Rõ ràng chúng ta giảm bớt được các khâu trung gian thông qua HTX, qua các chuỗi”. Một khi bên trung gian được rút ngắn, giá sẽ ổn định.

Tuy nhiên, điểm yếu trong chuỗi liên kết hiện nay là sự biến động của thị trường.

Vì vậy, điều ngành chăn nuôi cần nhất lúc này là “người trọng tài”, và không ai có thể đảm nhận vai trò quan trọng này hoàn hảo hơn nhà nước. Theo ông Công, chỉ cần có trọng tài trong chuỗi chăn nuôi thì vấn đề phân phối, thị trường và các yếu tố phát triển cho ngành chăn nuôi sẽ trở nên bền vững.

Ngoài ra, việc tham gia vào HTX hay một chuỗi chăn nuôi sẽ giúp người nông dân hưởng giá thức ăn chăn nuôi, dịch vụ… ở mức thấp nhất. Cùng với đó, kiểm soát được chất cấm, an toàn thực phẩm, đảm bảo đầu ra và giá bán ra được ổn định.

Tại Hội thảo “Tổng kết dự án VIP và chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn Việt Nam” do Cục Chăn nuôi tổ chức hôm 23/10, Đại sứ quán Hà Lan và Cục Chăn nuôi đã xây dựng và thực hiện Dự án về Chuỗi thịt heo Việt Nam theo định hướng quốc tế (VIP).

Theo đó, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ và chế biến thịt; giám sát và tiến tới xóa bỏ dịch bệnh; nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật nuôi và kiểm soát thú y tại các cơ sở chăn nuôi heo; nâng cao năng lực quản lý chuỗi thông qua nghiên cứu, đào tạo và tham quan học tập.

Đồng thời, nâng cao năng lực thông qua chuyển giao về quản lý trang trại chăn nuôi heo hiện đại theo VietGAP và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi; nâng cao năng lực về quá trình đổi mới chuỗi về chiến lược dài hạn và hoạt động cấp thiết để mở rộng chuỗi thịt VIP.

Dự án được triển khai trên địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP HCM và Đồng Nai với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng, từ năm 2014 đến 2018.

Tố Tố

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.