|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn giai điệu 'Đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng'

09:00 | 18/06/2021
Chia sẻ
Theo tính toán của cơ quan quản lý, dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Như vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết, những tháng đầu năm 2021 cũng tương tự như các năm trước, vẫn tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".

Dịch góp phần cản trở tiến độ

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2021 và 5 tháng đầu năm nay của Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Song mức này vẫn thấp hơn so với thực hiện cùng kỳ  năm 2019. Năm 2019, giai đoạn này đạt 16,2%. Bộ Kế  hoạch và Đầu tư chỉ ra một loạt nguyên nhân cố hữu và nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho rằng, đầu năm 2021 cũng tương tự như các năm trước, lại diễn ra khi các bộ, ngành và địa phương tiếp tục giải ngân phần vốn kéo dài năm 2020 và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021.

"Thông thường, thời điểm này, chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như: xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công lúc này thường thấp", ông Phương chia sẻ.

Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn giai điệu 'Đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng' - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Kinh tế đô thị.

Bên cạnh đó, đối với dự án không có cấu phần xây dựng như: mua sắm công thường chỉ thanh toán một lần tới khi hàng hóa, thiết bị được nhập về nên giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ tăng vọt vào thời điểm đó. "Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn đầu tư công của những dự án không có cấu phần xây dựng rất thấp", ông Phương nhấn mạnh.

Không những thế, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công còn do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao vốn chưa quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, chưa sát sao xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. 

Điều này lý giải vì sao trong cùng một hệ thống pháp luật, có những bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao, song lại có tới 13 bộ, cơ quan Trung ương 5 tháng đầu năm chưa giải ngân vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 1%.

Một nguyên nhân khác cũng được Thứ trưởng Phương đưa ra đó là, một số địa phương bận rộn phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai dự án bị đình trệ. Hiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã khiến tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ.

Hơn nữa, thời gian này, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng tăng giá cao đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu. Song nguyên nhân chủ yếu vẫn do giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở lại, vướng mắc và nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí tăng.

Ngoài chuyện giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, còn một nỗi lo khác đó là theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2021, vẫn còn gần 55 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch 2021 chưa được phân bổ mặc dù đã giảm so với mức 61 nghìn tỷ đồng tính đến hết tháng 4/2021.

Thúc đẩy vốn "mồi"

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là tập trung đẩy mạnh vốn đầu tư công, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Và đây cũng là nội dung triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn "mồi" để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo tinh thần của Chỉ thị 13/CT-TTg, tính đến thời điểm này, các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục cắt giảm đầu tư hơn 1.000 dự án. "So với yêu cầu cắt giảm khoảng 1.500 dự án của Thủ tướng, con số cắt giảm đến thời điểm này về cơ bản đã đạt mục tiêu Thủ tướng đặt ra", ông Phương khẳng định.

Như vậy, cùng với sự thay đổi về thể chế, pháp luật, danh mục các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm xuống còn 5.000 dự án theo yêu cầu của Thủ tướng, nghĩa là giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020 và hơn 4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Vị chuyên gia này phân tích, tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan toả của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019. Vì giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công năm 2019 chỉ kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. 

Nhằm nâng cao hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Các bộ, ngành, địa phương cũng trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất Chính phủ cho phép không thu hồi về ngân sách Trung ương số vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến nay chưa phân bổ gần 71.749 tỷ đồng do đặc thù của kế hoạch năm 2021 triển khai trong bối cảnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được Quốc hội quyết định.

"Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát các dự án cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Các địa phương chủ động cập nhật, điều chỉnh và công bố đơn giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với diễn biến thị trường để bảo đảm tiến độ dự án, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thúy Hiền

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.