|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển khai các dự án đầu tư công: Gỡ vướng ‘rào cản’

04:00 | 07/06/2021
Chia sẻ
Thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch và phát triển kinh tế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hà Nội ưu tiêu giải quyết trong năm 2021 là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.
Triển khai các dự án đầu tư công: Gỡ vướng ‘rào cản’ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Công thương).

Theo báo cáo của Thành phố gửi Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, đến nay Hà Nội có 11 dự án Ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu. 15 dự án (gồm 12 dự án ngân sách và ODA, 03 dự án theo hình thức PPP) đang thi công xây dựng. 

12 dự án, gồm 5 dự án Ngân sách, ODA; 06 dự án PPP; 01 dự án xã hội hóa đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục đầu tư. 17 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư gồm 13 dự án PPP và 01 dự án xã hội hóa và 03 dự án ngân sách.

Vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ

Bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao của nhiều dự án sử dụng vốn Ngân sách và ODA còn chậm so với yêu cầu; nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP chưa triển khai được do một số lý do liên quan đến Quy hoạch.

Giai đoạn 2016 - 2020, các quận, huyện thị xã của Hà Nội đã căn cứ các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng cấp mình để đầu tư nguồn lực nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới; đầu tư các dự án phát triển do cấp mình quản lý để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chung của Thành phố, một số chỉ tiêu đến hết năm 2019 đã hoàn thành: Chỉ tiêu tỷ lệ xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (hoàn thành năm 2017), Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia (hoàn thành năm 2019),...

Theo đánh giá của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm trong điều kiện hệ thống văn bản quy phạm điều chỉnh còn chưa kịp thời, đầy đủ. 

Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, sự cố gắng của các cấp, các ngành trong thời gian qua, kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều dự án công trình xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố được tập trung bố trí vốn, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, các Chương trình của Thành ủy, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá trong giai đoạn 2016-2020 của Thành phố.

Các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI cần nguồn lực đầu tư công để hoàn thành cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch như các chỉ tiêu: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 (1,716 triệu tỷ đồng); Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (96,3%); Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia (76,9%); Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế) (100%); Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động và xây dựng mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng (100% đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp xây mới và 92,5% đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động).

Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. 

Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã tạo cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tác động lớn đến việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những tồn tại khi triển khai các dự án đầu tư công tại Hà Nội do tác động của nền kinh tế và các vướng mắc khi triển khai các quy định pháp luật trong việc huy động nguồn vốn đầu tư, việc huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn không đạt được như kế hoạch (nguồn ngân sách Thành phố không đạt như kế hoạch, nguồn vốn ODA cấp phát và nguồn ngân sách trung ương dự kiến cho Hà Nội giảm so với dự kiến, các dự án PPP không triển khai được, một số dự án chuyển sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công. 

Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến từ 119.224,957 tỷ đồng tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 04/12/2018 xuống còn 107.333,365 tỷ đồng tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND năm 2019.

Công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư còn chậm dẫn đến kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm được hoàn thiện. Một số dự án chậm phê duyệt; danh mục dự án có sự thay đổi; có một số dự án điều chỉnh nhiều lần; một số dự án chậm tiến độ hoàn thành nên Kế hoạch Đầu tư công trung hạn có nhiều lần phải cập nhật, điều chỉnh.

Việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư hằng năm còn chậm, nhất là trong 6 tháng đầu năm. Nhiều dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau. Một số dự án gặp vướng mắc phải điều chỉnh kế hoạch vốn hoặc không thực hiện hết số vốn kế hoạch phải hủy bỏ, chuyển kết dư ngân sách.

Các dự án ODA triển khai chậm và khó khăn trong bố trí vốn. Thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm, có số vốn kế hoạch được giao lớn. 

Nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới) và các chương trình mục tiêu thành phố chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước trong khi ngân sách nhà nươc còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều Do vậy, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn mới được đầu tư còn thiếu đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân.

Những “rào cản” cần tháo gỡ

Theo UBND thành phố Hà Nội, những tồn tại khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư là do Luật Đầu tư công được ban hành lần đầu tiên và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. 

Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công được ban hành chậm; quá trình triển khai trong thực tiễn có quá nhiều vướng mắc do mâu thuẫn với các Luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường nên cần có thời gian nghiên cứu, thống nhất tổ chức thực hiện giữa các cơ quan liên quan làm chậm tiến độ xây dựng và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quy định thủ tục đầu tư phức tạp, mâu thuẫn gây nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án trong thực tế. Đặc biệt là thực hiện quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/10/2019) của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tạo thêm nhiều thủ tục mà thẩm quyền trước đây thuộc chủ đầu tư nay phải trình Người quyết định đầu tư (như điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, tổng dự toán và cập nhật giá gói thầu sử dụng kinh phí dự phòng của dự án...).

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mặc dù đã được Thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; quy trình GPMB phức tạp, phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định đối với từng phương án cụ thể... gây khó khăn trong thực hiện, dẫn đến người dân không đồng thuận, khiếu kiện, làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án.

Các thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA kéo dài, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ và kịp thời làm chậm thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng.

Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp lại bộ máy của các Ban quản lý dự án và thành lập 05 Ban quản lý dự án chuyên ngành của Thành phố theo quy định của Luật Xây dựng; thực hiện việc chuyển chủ đầu tư dự án từ các sở ngành về các Ban Quản lý chuyên ngành đã một phần ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch. Đặc biệt từ năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình triển khai và tiến độ giải ngân của các dự án.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, trong điều hành và triển khai đầu tư các dự án, một số chủ đầu tư và cán bộ quản lý dự án còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động và còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các huyện và các chủ đầu tư trong giải quyết các thủ tục đầu tư, xử lý và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình đầu tư còn thiếu chủ động và chưa được kịp thời.

Quy định của Luật đầu tư công năm 2014 (Điều 76) cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau khiến chủ đầu tư có xu hướng giải ngân dồn vào thời điểm cuối năm và chuyển nguồn sang năm sau.

Trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cả Chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến quá trình thực hiện còn lúng túng, tiến độ chậm. Chất lượng hồ sơ không đảm bảo, tổng mức đầu tư, dự toán lập không chính xác như vậy đã làm mất thời gian của cơ quan thẩm định do phải thẩm định lại nhiều lần, dẫn đến chậm tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án.

Một trong ba khâu đột phá được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 của thành phố Hà Nội là “Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, tại Hội nghị giao ban trực tuyến thường kỳ quý I/2021 đầu tháng 4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tinh thần là từng cán bộ phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.

Được biết, để hoàn chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2021 bảo đảm chất lượng, tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó Hà Nội cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiểu quả, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới.

Minh Anh