'Giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi khó đạt 4,6 tỉ USD'
|
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thế Phương cho biết tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi', chiều ngày 18/10. 9 tháng đầu năm 2015, cả nước giải ngân được 3,3 tỉ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong khi đó, cùng kì năm nay mới chỉ có 2,69 tỉ USD được giải ngân. Trước thực trạng đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại, giải ngân vốn ODA năm nay khó đạt mức 4,65 tỉ USD của năm 2015.
Trong khi đó, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi kí kết trong 9 tháng năm nay cao gấp 1,8 lần so với cùng kì, ước đạt khoảng 4,92 tỉ USD. Vốn ODA rót vào Việt Nam tăng đột biến do một số khoản vay từ Nhật Bản dự kiến kí kết trong năm ngoái sẽ được chuyển sang năm nay. Cụ thể, Việt Nam nhận 160 triệu USD viện trợ không hoàn lại và 2,53 tỉ ODA và vay ưu đãi.
Báo cáo chỉ ra, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đăk Nông, Tây Ninh, Bình Định ... là những bộ ngành, địa phương 'kéo tụt' mục tiêu giải ngân năm 2016.
"Tình trạng chậm giải ngân do các bộ ngành, địa phương không được phép giải ngân kế hoạch vốn ngước ngoài theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây. Các dự án chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn giao", Thứ trưởng Phương cho biết.
Trong khi đó, các đơn vị lại chưa thực sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới nên kế hoạch dự kiến vốn không sát với thực tế. Trên thực tế, việc xác định kế hoạch cũng rất khó do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp vốn của nhà tài trợ, năng lực quản lý của chủ đầu tư và năng lực nhà thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải thêm.
ADB đánh giá yếu tố giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng quản lý dự án Văn phòng ADB tại Việt Nam ví dụ: "Dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và Sài Gòn cần giải quyết giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện dự án. Chậm tiến độ làm các dự án tốn chi phí hơn. Các dự án thường mất tối thiểu 2 năm, việc chậm khởi động dẫn đến việc kéo dài thời gian cho vay và chậm giải ngân".
6 trong số 35 khoản vay kéo dài đến 2 năm so với dự tính. Việc chậm trễ làm tăng chi phí thêm 6,5% do trượt giá, 11,5% do các chi phí khác của dự án bị mất. Chậm 2 – 3 năm làm tăng chi phí lên đến 3 – 5%, đại diện ngân hàng này dẫn chứng thêm.
Ngoài các nguyên nhân từ chính các đơn vị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chính sách giải ngân ODA khá rườm rà, chậm trong khâu phê duyệt. Trong đó, vướng mắc lớn là cơ chế tài chính cho vay lại chính quyền địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân các chương trình, dự án.