|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giải mã mối liên hệ giữa Taylor Swift, hành vi của người tiêu dùng và thị trường lao động Mỹ

16:10 | 04/11/2023
Chia sẻ
Những người Mỹ không đủ khả năng mua nhà hoặc ô tô do lãi suất tăng cao có thể đang chi tiền cho những thú vui ít tốn kém hơn, ví dụ như đi xem buổi biểu diễn của Taylor Swift. Các địa điểm tổ chức biểu diễn cần thuê nhiều nhân viên để phục vụ lượng người hâm mộ lớn, tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Nữ ca sĩ Taylor Swift. (Ảnh: AP). 

Bà Karen Firestone, CEO công ty đầu tư Aureus Asset Management, vẫn nhớ mãi về năm 2008. Nhiều khi bà sẽ đi dạo quanh trung tâm thành phố Boston vào giữa trưa, cố gắng loại bỏ cảnh tưởng sụp đổ của thị trường chứng khoán khỏi tâm trí.

Có những hôm bà sẽ bước vào cửa hàng thời trang Macy’s để mua một thỏi son và cảm thấy bản thân được an ủi phần nào. Bà sở hữu khá nhiều son và chúng hầu như đều có màu giống nhau. Bản thân bà cũng thấy đây là điều lạ.

Theo tờ CNBC, trường hợp của bà Firestone là minh họa điển hình cho “hiệu ứng son môi”. Hiệu ứng này giải thích rằng khi người tiêu dùng thấy căng thẳng, họ có xu hướng lựa chọn những thú vui rẻ tiền hơn là những món hàng đắt đỏ.

Ví dụ, thay vì mua chiếc váy 400 USD, có thể họ sẽ mua một thỏi son giá 35 USD. Nhưng hiệu ứng son môi có liên quan gì đến số liệu việc làm mạnh mẽ và khó đoán trong năm 2023?

Mối liên hệ với việc làm

Trong năm qua, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin rằng thị trường nào đó đang suy yếu - ví dụ như xây dựng, nhà ở mới, xe ô tô cũ. Các chuyên gia vẫn đều đặn đưa ra cảnh báo về suy thoái.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn đều đặn tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới mỗi tháng. Gần 100.000 việc làm - tương đương tỷ lệ 30% - đến từ lĩnh vực giải trí và khách sạn.

Sau đại dịch COVID-19, lẽ tất yếu là mọi người đều muốn vui chơi trải nghiệm. Nhưng giờ đã gần hết năm 2023 mà nhu cầu giải trí của người Mỹ dường như vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hãy cùng nhìn vào các tour lưu diễn có doanh thu lớn nhất ở Mỹ trong năm nay. Taylor Swift, Beyoncé và Ed Sheeran đã thu được tổng cộng 1,48 tỷ USD tiền bán vé từ đầu năm đến hết tháng 8/2023, theo ước tính của Forbes

Trong khi đó, ba tour lưu diễn hút khách nhất tại Mỹ thu được 954 triệu USD trong năm 2022 và hơn 600 triệu USD trong năm 2019. Nhìn chung, doanh thu của ba tour lưu diễn hàng đầu trong 8 tháng đầu năm 2023 đã cao hơn 130% so với cả năm 2019. 

*Số liệu năm 2023 chỉ tính trong 8 tháng đầu năm. 

Giá vé concert đã đi lên đáng kể trong 4 năm qua. Dữ liệu từ Pollster cho thấy giá vé trung bình đã tăng 26% từ năm 2019 đến 2023. Tuy nhiên, con số này nhỏ hơn rất nhiều mức tăng của tổng doanh thu.

Nhu cầu khổng lồ và số lượng khán giả đông đúc là yếu tố thúc đẩy hiện tượng này. Các địa điểm tổ chức biểu diễn cần thuê hàng nghìn nhân viên để kiểm soát đám đông, lắp đặt trang thiết bị, chỉ đường cho người hâm mộ, bán phụ kiện và đảm bảo an ninh. Họ được tính vào số việc làm tăng thêm của ngành giải trí và khách sạn trong những tháng gần đây.

Mối liên hệ với chi tiêu

Phải chăng còn có yếu tố nào khác đã góp phần tạo nên làn sóng tiêu dùng trên, ngoài nhu cầu vui chơi sau đại dịch và sự nổi tiếng của Taylor Swift và Beyoncé?

Bên cạnh việc xem xét người Mỹ đang tiêu tiền vào đâu, chúng ta cũng cần chú ý đến những gì họ không mua. Ví dụ, doanh số nhà mới bán ra trong tháng 8 chỉ đạt 675.000 căn, thấp hơn 8,7% so với tháng 7, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ.

Đồng thời, doanh số bán nhà sẵn có trong tháng 9 giảm 2% so với tháng liền trước, theo Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Mỹ. 

Nhiều người muốn mua nhà và ô tô nhưng không đủ khả năng chi trả vì lãi suất cao. Họ có thể vung tiền mua vé concert cho con cái hoặc bản thân như một món đồ xa xỉ thay thế. Người muốn mua nhà cần phải bỏ ra khoản trả trước lớn. Trong khi đó, giờ đây số tiền này có thể tạo ra được lợi nhuận đáng kể trong tài khoản ngân hàng hoặc quỹ thị trường tiền tệ.

Ví dụ thay vì bỏ ra 100.000 USD tiền đặt cọc mua nhà, một người có thể gửi nó vào tài khoản ngân hàng hoặc quỹ thị trường tiền tệ để hưởng lãi suất một năm là 5%. Tiền lãi 5.000 USD thừa đủ để họ mua vài vé xem ca nhạc, dù có phải trả giá cao cho phe vé.

Có lẽ hiệu ứng son môi đang phát huy ảnh hưởng ở một tầm cao mới. Lần này, thứ xoa dịu người tiêu dùng Mỹ không phải một thỏi son giá 35 USD mà là trải nghiệm tham gia buổi concert 4 tiếng với 50.000 người hâm mộ cuồng nhiệt khác với giá 1.000 USD mỗi vé.

Giang