|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải bài toán tăng trưởng GRDP cho TP HCM bằng việc 'đả thông' tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm

12:10 | 17/04/2023
Chia sẻ
Tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, chậm trễ trong thực thi công vụ chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế TP HCM quý I không đạt mục tiêu đề ra. Cần đả thông tâm lý này thì Thành phố mới có động lực để phát triển.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn TP HCM (GRDP) quý I/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Với con số này, tăng trưởng của TP.HCM thấp nhất trong số năm TP trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.

Tâm lý e dè, sợ trách nhiệm

Theo các chuyên gia, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm hiện đang phổ biến trong bộ máy công quyền, đặc biệt là các tỉnh thành. Tăng trưởng GRDP 0,7% trong quý I/2023 của TP HCM là minh chứng rõ ràng cho kết quả của thực trạng đó.

Theo số liệu từ UBND TP HCM, tính đến hết tháng 3, tổng số vốn giải ngân của TP HCM mới đạt 1.608 tỷ đồng, tương ứng 4% so với kế hoạch được giao. Đây là một con số rất thấp so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho "đầu tàu" kinh tế của cả nước.

Tốc độ tăng GDP và GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương quý I năm 2023 (%). (Nguồn: GSO).

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tâm lý "ba không" phổ biến trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.

Đó là "không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng", vừa làm, vừa nghe ngóng.

Phát biểu tại cuộc buổi làm việc giữa TP HCM với Thường trực Chính phủ ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ: "Ngoài vấn đề khách quan, hai vấn đề lớn nhất của TP HCM phải giải là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Nếu không giải quyết được ngay sẽ không tạo được đột phá cho những quý sắp tới".

Ông Dũng dẫn chứng cho thấy tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của TP HCM, đó là trong năm 2022, TP HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói đây hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TP HCM.

"Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau. Nếu việc hỏi như hiện nay, một ngày chúng tôi phải trả lời Thành phố hai văn bản, trong khi cơ quan có trăm nghìn công việc khác. Đây là thách thức lớn", ông Dũng nói.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI) mới được VCCI công bố, TP HCM cũng rơi 13 bậc xuống vị trí thứ 27 của cả nước, dù nhiều năm giữ vững trong top 15. Đáng chú ý, TP HCM có một chỉ số thuộc nhóm thấp nhất cả nước, đó chính là "tính năng động của chính quyền tỉnh" chỉ đạt 6,35 điểm, đứng thứ 62/63 tỉnh thành của cả nước. 

TP HCM bị đánh giá là tính năng động của chính quyền tỉnh gần thấp nhất cả nước. (Nguồn: Hồ sơ PCI các tỉnh thành).

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy và đánh giá chính quyền đang "dậm chân tại chỗ" trong việc triển khai các công việc, thúc đẩy sự tăng trưởng mà chính Bí thư Thành uỷ TP HCM và Chủ tịch TP HCM cũng nhìn nhận tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức của TP HCM đang phổ biến hơn bất cứ khi nào.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn chỉ ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã đưa ra ba khâu đột phá thì bây giờ nhìn lại, ba khâu đột phát đó chính là ba điểm nghẽn của TP HCM gồm: Hạ tầng kỹ thuật - xã hội; thể chế và nguồn nhân lực.

Tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, chậm trễ trong thực thi công vụ chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế Thành phố quý I không đạt mục tiêu đề ra. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều việc đang đứng yên tại chỗ thì làm sao thành phố phát triển được.

Nêu dẫn chứng thực tế qua làm việc với 4 doanh nghiệp TP HCM, họ đều nói rằng hiện nay không có gì để làm. Vì vậy, TS. Lịch kỳ vọng Thành phố sẽ giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn. Việc này không thể làm chung chung mà phải công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Thành phố phải tập trung làm được ba trụ cột đã được đề ra từ cuối năm ngoái; nhất là phải gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn… “Chúng ta cần chứng minh bằng thực tế để tạo dựng niềm tin, động lực cho doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn. Cần phải chủ động khởi công một số công trình, dự án cụ thể trong quý II để tạo khí thế cho toàn xã hội”, TS. Lịch đề xuất.

"Đả thông" tư tưởng sợ trách nhiệm

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, điều thực sự đáng lo hiện nay là nguồn nhân lực của hệ thống chính trị Thành phố quá tải, thậm chí có nơi không đáp ứng được.

"Chúng tôi xử lý rất nhiều. Cán bộ yếu, thấy không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. TP.HCM làm nghiêm, làm mạnh, chỉ là không ồn ào thôi. Nhưng bây giờ cũng thấy khó khăn, cũng đuối", ông Nên nói.

Ông Nên cho biết: "Có một nguyên nhân xa hơn, chúng tôi đang khắc phục, đó là những cán bộ chậm trễ, ai tránh né, ai trì trệ, ai thiếu trách nhiệm, ai sợ sai phạm, ai không dám làm, thận trọng quá mức,...".

Còn với những cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng cần được bảo vệ theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Bí thư Nên nhìn nhận, đứng trước bối cảnh chưa từng có, phức tạp, khó lường, Thành phố cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định thực hiện Kết luận 14 trong bối cảnh tình hình hiện nay để cán bộ yên tâm hành động vì lợi ích chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu TP HCM nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

"Tức là phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần", ông lưu ý.

Thủ tướng đề nghị Thành phố phải xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết. Xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài".

"Nếu không làm thì ai sẽ làm"

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh. (Ảnh: Hạ An).

Là một địa phương còn khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông đã có sự tiến bộ vượt bậc trong bảng xếp hạng PCI 2022, vượt mấy chục bậc lên xếp thứ 38/63 tỉnh thành. Đáng chú ý, chỉ số "tính năng động của chính quyền tỉnh" của Đắk Nông cũng xếp thứ 23/63 tỉnh thành, tức là cao hơn TP HCM 39 bậc.

Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh thẳng thắn "nếu sợ trách nhiệm thì ai sẽ làm. Tỉnh nghèo mà không làm thì nghèo nữa à!". Ông thừa nhận, chuyện cán bộ tâm tư là có, trên thực tế là có nhiều va chạm, rào cản cần tháo gỡ.

"Trong các cuộc làm việc hội nghị, chúng tôi luôn nói với cán bộ là cần có niềm tin, là làm đúng luật, vì lợi ích chung thì không sao. Có những việc tồn đọng rất lâu đã được giải quyết sau những chỉ đạo, định hướng", ông Danh nói. 

Trước bối cảnh khó khăn, cần cán bộ, dám nghĩ, dám làm. "Chúng tôi luôn động viên anh em, ai cố tình làm sai vì cái riêng thì không được nhưng ai làm vì cái chung là ủng hộ, chứ nếu sợ trách nhiệm thì ai làm. Nếu sợ trách nhiệm thì không có sự kiện Đắk Nông thăng hạng thế này đâu, phải có nhiều sự hỗ trợ, tương hỗ, động viên và cam kết của lãnh đạo. Người đứng đầu phải tạo mọi điều kiện cho anh em làm", Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cho hay.

Vị Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ, chúng tôi tổ chức "cà phê doanh nhân", giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và một vài sở khác đảm nhiệm việc này. Cần phải cởi mở, lắng nghe doanh nghiệp vì nếu không thì không phải lúc nào tiếng nói của họ cũng đến tai lãnh đạo được.

Hạ An