|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Nếu TP HCM khó khăn thì cả nước cũng khó khăn

11:20 | 16/04/2023
Chia sẻ
Thủ tướng nhấn mạnh TP HCM phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước.

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM sáng 16/4, Thủ tướng nhấn mạnh TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP đóng góp lớn cả nước về GDP, thu ngân sách, có tác động rất lớn đến cả nước. Nếu TP phát triển tốt thì cả nước có tác động lan tỏa, nếu TP khó khăn thì cả nước cũng khó khăn.  

TP phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững.   

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng cho biết, thời gian qua và tới đây tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trường co hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng.

Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP HCM  nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của TP.

Cuộc họp cũng rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa TP với các bộ, ngành Trung ương; nêu các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.

Quý I/2023, tình hình phát triển kinh tế TP HCM gặp nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I của TP ước đạt 360.622 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này đưa TP vào nhóm 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước. Đây cũng là mức tăng quý I gần thấp nhất từ 2011, chỉ cao hơn mức 0,42% của quý I/2020.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý đầu năm cũng khiêm tốn, chỉ được 4%. 

 

 

Thành ủy TP HCM đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện. 

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo tình tình kinh tế-xã hội của TP. (Ảnh: TTXVN).

Tại buổi làm việc, UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá cho TP.

TP cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng.

Các dự án này gồm: dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài; Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP - Trung Lương; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TP; Đường Vành đai 4 TPHCM; Dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dự án đường sắt TP HCM-Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu; các dự án đường sắt đô thị,....

Ngoài ra kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP.   

Anh Đào