Ba 'đầu tàu' xuất khẩu đều trong nhóm tăng trưởng GRDP thấp nhất quý I, có một mặt hàng chủ lực giảm tới 41%
TP HCM, Bắc Ninh và Bình Dương là ba "đầu tàu" xuất khẩu của cả nước. Nhiều năm liền, ba địa phương này dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của TP HCM là 47,5 tỷ USD, Bắc Ninh và Bình Dương đạt lần lượt 45 tỷ USD và 34,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ba tỉnh, thành này chiếm hơn 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022.
Tuy nhiên, trong quý I/2023, cả ba đầu tàu xuất khẩu đều nằm trong nhóm tăng trưởng thấp nhất. Tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh thấp nhất cả nước với mức sụt giảm 11,85%; TP HCM ghi nhận mức tăng 0,7% và Bình Dương chỉ tăng 1,15%.
Xuất khẩu gỗ của Bình Dương sụt giảm hơn 41% trong quý I
Với Bình Dương, tỉnh vừa công bố số liệu xuất khẩu ba tháng đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh lần đầu ghi nhận sụt giảm 18,7% kể từ năm 2016. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm, ngoại trừ sang Nhật Bản tăng nhẹ 1,7%.
Cụ thể, Mỹ - thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất giảm 27,3% so với quý I/2022; Hàn Quốc giảm 12,2%; thị trường EU giảm 24,4%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 26,4%; Hong Kong giảm 30,5%.
Theo Cục Thống kê Bình Dương, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh tiếp tục giảm nhu cầu do những ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng thấp. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, hạ cấp độ phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 8/1 đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, sản phẩm gỗ ghi nhận mức giảm sâu nhất (giảm 41,5% so với quý I/2022); hàng dệt may giảm 17,4% và hàng giày da giảm 12,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I của tỉnh cũng lần đầu ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0,15%. Trong quý I giai đoạn 2016-2022, sản xuất công nghiệp đều tăng khá, trong khoảng 6 - 7,5%.
Cục Thống kê Bình Dương cho biết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chậm lại. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh.
100% các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của Bắc Ninh đều giảm
Bắc Ninh - tỉnh tăng trưởng thấp nhất cả nước trong quý I hiện chưa công bố số liệu xuất khẩu ba tháng đầu năm. Số liệu hai tháng đầu năm cho thấy xuất khẩu của tỉnh cũng đã có sự sụt giảm so với hai tháng các năm trước đó..
Cụ thể, lũy kế hai tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 6,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,4%.
Về sản xuất công nghiệp, tính chung quý I, IIP của Bắc Ninh giảm tới 18,67%. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có 15 ngành có chỉ số giảm, một số ngành có mức giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-33,68%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-28,49%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-24,41%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-47,98%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-19,59%).
Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, những khó khăn trong sản xuất công nghiệp như thị trường, đơn hàng, nguồn hàng đã ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất công nghiệp.
Tính chung quý I, do khối lượng sản xuất giảm có 18/23 sản phẩm chủ yếu của tỉnh bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh đều giảm, giảm nhiều nhất là sản phẩm máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối (-46,6%); tiếp theo là pin điện thoại các loại (-30,47%); đồng hồ thông minh (-29,95%).
TP HCM thu ngân sách từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11%
Theo báo cáo từ Cục Thống kê TP HCM, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có khởi sắc hơn so với 2 tháng trước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số IIP giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sự sụt giảm nặng nề được ghi nhận ở 15/30 ngành công nghiệp cấp II, 3 ngành công nghiệp truyền thống cùng một số sản phẩm công nghiệp khác.
Tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm gặp khó dẫn đến nguồn thu ngân sách từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP theo đó cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ và chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) giảm 8,5%.