'Giấc mơ Mỹ' ngày càng xa với kỹ sư công nghệ
Theo Business Insider, các công ty công nghệ lớn đang hạn chế số lượng hồ sơ xin "thẻ xanh" do quy trình khó khăn, khiến nhân tài công nghệ nước ngoài gặp khó khăn khi muốn ở lại Mỹ hơn. Điều này đồng nghĩa việc làm dành cho kỹ sư quốc tế tại Thung lũng Silicon ngày càng cạnh tranh.
Tại Mỹ, Bộ Lao động (DOL) ban hành Chương trình chứng nhận lao động lâu dài (PERM) để đảm bảo việc thuê nhân sự nước ngoài không ảnh hưởng đến cơ hội, tiền lương và điều kiện làm việc của lao động trong nước. Các kỹ sư cần có giấy chứng nhận PERM trước khi nộp đơn xin thị thực lao động.
Google đã dừng PERM từ tháng 1/2023, sau đó sa thải 12.000 nhân viên. Đầu năm nay, nhân viên công ty nhận được thông báo chương trình PERM sẽ không được khởi động lại, ít nhất đến quý I/2025.
Google từ chối đưa ra bình luận.
Ava Benach, chuyên gia của công ty luật nhập cư Benach Collopy, cho biết: "Các công ty công nghệ Mỹ thường lấy Google làm chuẩn trong chính sách hỗ trợ xin visa cho nhân viên. Gã khổng lồ tìm kiếm có sức ảnh hưởng lớn vì nổi tiếng với đãi ngộ tốt cho người lao động. Nếu Google lùi bước, các công ty khác cũng sẽ làm theo".
Đầu năm, Amazon thông báo với nhân viên rằng họ sẽ tiếp tục đóng băng tất cả hồ sơ PERM đến cuối 2024. Trong khi đó, quy trình hỗ trợ xin "thẻ xanh" cho nhân viên quốc tế của Meta bị kéo dài "như vô tận". Một nhân viên nói để xin được visa thông qua Meta phải mất "một năm hoặc hơn".
Theo giới chuyên gia, làn sóng cắt giảm việc làm của Big Tech khiến quy trình PERM trở nên phức tạp. Các đợt sa thải hàng loạt của Meta làm giảm hơn 20% số lượng nhân viên của công ty. Họ đang tuyển dụng trở lại nhưng gặp nhiều thách thức để giải thích cho cơ quan chức năng vì sao cần tuyển kỹ sư nước ngoài.
Benach nhận định: "PERM là quy trình rườm rà, gian khổ. Các công ty thường dựa vào đặc quyền 'hỗ trợ cấp thẻ xanh' để cạnh tranh nhân tài công nghệ. Với những gì đang diễn ra, có thể thấy họ không còn tranh giành nhân tài như trước".
Tuy nhiên, "giấc mơ Mỹ" không khép lại hoàn toàn vì các tài năng công nghệ vẫn có thể tìm kiếm cơ hội bên ngoài Thung lũng Silicon và New York. Meta, Amazon cũng đang hỗ trợ nhân viên nước ngoài kéo dài thời gian lưu trú tại Mỹ. Tuần qua, Google cũng gửi thư lên Bộ Lao động và tranh luận về những thay đổi nhằm mở rộng danh sách ưu tiên được xét duyệt thẻ xanh nhanh hơn.
Danh sách của Google tập trung vào những lĩnh vực thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Trong đó, hãng đặc biệt cần chuyên gia AI và đang gặp khó trong khâu tuyển dụng.
"Chúng tôi dự đoán nhu cầu về kỹ sư AI, phần mềm, nghiên cứu và nhà khoa học sẽ tăng đáng kể những năm tới. Những tiến bộ của AI mang lại nhiều hứa hẹn nhưng việc thiếu chuyên gia lành nghề có nguy cơ cản trở toàn bộ tiến trình phát triển chung", Google cho hay.