|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Số ca nhiễm COVID-19 tăng kỉ lục kìm hãm nhu cầu dầu thô

22:35 | 25/10/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 tiếp tục là yếu tố cản trở nhu cầu xăng dầu và kìm hãm đà tăng của giá dầu. Hiện giá dầu thô đang mắc kẹt quanh mức 40 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 79 cent, tương đương 1,9%, xuống còn 39,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 69 cent, tương đương 1,6%, đạt mức 41,77 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI giảm 2,5% và giá dầu Brent giảm 2,7%.

Giá dầu thô giảm sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết họ đã dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng với xuất khẩu từ các cảng chủ chốt và sản lượng sẽ đạt một triệu thùng/ngày trong 4 tuần.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/10 cho biết Moscow đã không loại trừ việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, nhưng sự đảm bảo đó không bù được cho kì vọng về sản lượng của Libya đang tăng và lo lắng về nhu cầu.

OPEC+ dự định tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày so với hiện nay trong tháng 1/2021.

Các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung thêm 5 giàn khoan dầu, nâng tổng số giàn khoan lên 287 trong tuần tính đến ngày 23/10, mức cao nhất kể từ tháng 5, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.

Sản lượng dầu thô của Libya đã đạt 500.000 thùng/ngày và sẽ tăng thêm vào cuối tháng 10.

Ngày 21/10, EIA báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/10. Các nhà phân tích tại S&P Global Platts dự báo mức giảm là 1,9 triệu thùng, trong khi Viện Dầu mỏ Mỹ ngày 20/10 báo cáo mức tăng 584.000 thùng.

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng cho thấy nguồn cung dầu thô nước này đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, nhưng ít hơn so với dự kiến.

Bên cạnh đó, vào ngày 23/10, Mỹ đã ghi nhận hơn 83.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới - mức cao nhất từ trước đến nay.

Đại dịch tiếp tục là yếu tố cản trở nhu cầu xăng dầu và kìm hãm đà tăng của giá dầu. Giá dầu thô đang bị kẹt ở mức 40 USD/thùng và có thể chạm mức 38 USD/thùng.

Italy và một số bang của Mỹ báo cáo số ca mắc COVID-19 gia tăng kỉ lục, trong khi Pháp kéo dài lệnh giới nghiêm khoảng 2/3 dân số khi đợt bùng phát thứ hai của đại dịch COVID-19 bao trùm châu Âu. Điều này đã trì hoãn các hoạt động kinh tế, gây lo ngại về nhu cầu năng lượng.

Ngọc Ánh