|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+ hỗ trợ giá dầu

20:23 | 07/03/2021
Chia sẻ
Giá dầu thô tăng mạnh trong tuần vừa qua nhờ quyết định không tăng sản lượng trong tháng 4 của OPEC+. Một số nhà dự báo đã điều chỉnh kỳ vọng tăng giá dầu sau quyết định này của nhóm.
Giá xăng dầu tuần tới: Quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+ hỗ trợ giá dầu - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tuần tới: Quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+ hỗ trợ giá dầu (Ảnh: The New York Times)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, giá dầu thô WTI tăng mạnh 3,81% lên 66,26 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng tới 4,2% lên 69,54 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 5,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp kể từ tháng 12/2020, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 7,4% sau khi tăng gần 4% vào tuần trước.

Giá dầu thô tăng mạnh nhờ quyết định bất ngờ của OPEC+

Giá dầu tiếp tục tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 5/3 lên cao nhất trong hơn một năm, nhờ báo cáo việc làm vượt dự kiến của Mỹ và quyết định không tăng sản lượng trong tháng 4 của OPEC và các đồng minh, theo Reuters.

Giá dầu thô WTI và Brent đều tăng hơn 4% vào phiên giao dịch ngày 4/3 sau khi OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, kéo dài thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu vào tháng 4, nhưng cấp miễn trừ nhỏ cho Nga và Kazakhstan.

Theo đó, từ tháng 4, phần lớn các quốc gia trong nhóm sẽ giữ nguyên sản lượng, ngoại trừ Nga tăng sản lượng lên 130.000 thùng/ngày và Kazakhstan lên 20.000 thùng/ngày.

Các nhà đầu tư đã rất ngạc nhiên khi Saudi Arabia quyết định duy trì mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4 ngay cả sau đợt tăng giá dầu trong hai tháng qua nhờ các chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.

Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cho biết quyết định của OPEC+ về việc gia hạn cắt giảm khi giá tăng cao hơn có thể là mối đe dọa đến sự phục hồi tiêu thụ ở một số quốc gia.

Tại Ấn Độ, nơi 80% lượng dầu tiêu thụ nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, các nhà chức trách tỏ ra quan ngại về việc giá dầu tăng cao trong những tuần gần đây. Điều này đã đẩy hóa đơn nhập khẩu dầu và lạm phát trong nước lên cao.

Một số nhà dự báo đã điều chỉnh kỳ vọng tăng giá sau quyết định của OPEC+.

Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II và 80 USD/thùng trong quý III năm nay. UBS cũng nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và giá dầu WTI lên 72 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, thị trường đã tăng điểm sau khi một báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng hai.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, New York, cho biết báo cáo về bảng lương phi nông nghiệp cho thấy hành vi tiêu dùng của người Mỹ đang dần phục hồi về mức trước đại dịch, giúp thúc đẩy nhu cầu dầu thô mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng lưu ý rằng đồng USD tăng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11, đang hạn chế đà tăng của giá dầu thô. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và thương nhân cho rằng doanh số bán dầu thô vật chất chậm và nhu cầu phục hồi không thể dự đoán được cho đến khoảng quý III khiến đà tăng giá không được đảm bảo.

Tại Mỹ, mặc dù dự trữ dầu thô tăng kỷ lục hơn 21 triệu thùng vào tuần trước, nhưng dự trữ xăng đã giảm mạnh nhất trong 30 năm do hoạt động lọc dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục do tình trạng đóng băng ở Texas.

Tuy nhiên, sự phục hồi của giá dầu lên mức trước đại dịch cũng đã thúc đẩy các nhà máy khoan dầu của Mỹ quay trở lại hoạt động.

Số lượng giàn khoan dầu đã tăng thêm một giàn trong tuần này sau khi tăng sáu tháng liên tiếp, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.


Ngọc Ánh