|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Chịu áp lực giảm khi nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm chạp

21:21 | 06/09/2020
Chia sẻ
Nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 9 - 10 triệu thùng/ngày trong năm nay do đại dịch, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết.
Giá xăng dầu tuần tới: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi chậm chạp gây áp lực giảm giá dầu - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tuần tới: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi chậm chạp gây áp lực giảm giá dầu (Nguồn: The Economic Times)

Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 1,6 USD, tương đương 4%, xuống còn 39,77 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 1,41 USD, tương đương 3,2%, xuống còn 42,66 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 7,4%; giá dầu Brent cũng giảm 5,3% - mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 6.

Tuần này, giá dầu chịu áp lực bởi thị trường chứng khoán Mỹ giảm và tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 8 chậm lại, khi không còn sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

Theo The Economic Times, Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Alexander Novak dự đoán giá dầu sẽ duy trì trong khoảng 50 - 55 USD/thùng trong năm tới, khi thế giới tiếp tục đối mặt với đại dịch và do các yếu tố năng lượng tái tạo được chú trọng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chậm chạp đang gây thêm áp lực giảm giá dầu. Vào tháng 6, nhiều nhà phân tích và chuyên gia dự đoán nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thâm hụt mạnh trong quí III và IV năm nay, theo trang OilPrice.

Nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 9 - 10 triệu thùng/ngày trong năm nay do đại dịch, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết.

Trong tháng qua, các nhà phân tích, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thừa nhận rằng những dự báo trước đó về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay quá lạc quan.

Cả IEA và OPEC đều hạ dự báo về nhu cầu dầu trong các báo cáo vào tháng 8, cho thấy nhu cầu nhiên liệu vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ và tác động của đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế thì không thể lường trước được.

Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể bình ổn giá dầu, nhưng nhu cầu dầu phục hồi chậm hơn dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả và tâm lý thị trường.

Ngoài ra, báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu xăng nội địa giảm một lần nữa, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất tại trung tâm dầu của Châu Á tại Singapore vượt mức cao nhất 9 năm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và đi lại thấp do đại dịch COVID-19 khiến giá xăng Mỹ trước Ngày lễ Lao động vào cuối tuần này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Kể từ đỉnh điểm của dịch bệnh vào tháng 4, giá khí đốt của Mỹ đã tăng từ mức thấp 1,77 USD/gallon vào cuối tháng 4 lên hơn 2 USD/gallon vào đầu tháng 6.

Giá xăng trung bình tương đối ổn định trong suốt tháng 7 và tháng 8, với mức giá thấp hơn khoảng 18% so với cùng thời điểm năm 2019, EIA cho biết.

Nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 28/8 là 8,78 triệu thùng/ngày, giảm từ mức 9,161 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.


Ngọc Ánh