Giá xăng dầu lập đỉnh không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi ngay, chuyên gia khuyến nghị cổ phiếu cần quan tâm trong nhóm
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng không đáng kể đến lạm phát
Giá xăng dầu có 5 đợt tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022 và lập đỉnh mới, đặc biệt là mặt hàng xăng RON 92 đã tăng 8,5%, xăng RON 95 tăng 7,9% (tính đến kỳ điều chỉnh 21/2). Việc giá xăng dầu tăng mạnh không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 9 phát sóng trưa ngày 23/2, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhận định tỷ trọng mặt hàng xăng dầu trong CPI chỉ đạt 3%, nếu tính cả vòng thứ 2 liên quan đến nguyên liệu đầu vào cũng chỉ chiếm 10%.
Hiện ảnh hưởng của giá xăng đến CPI chỉ khoảng 1% so với thời điểm cuối tháng 1. Về ngắn hạn, ông Hưng cho rằng CPI trong tháng 2 chỉ tăng khoảng 2% mặc dù so với mức nền cao 1,5% của tháng 2/2021. Con số này vẫn nằm trong mục tiêu 4% của chính phủ.
Về ảnh hưởng của giá xăng dầu lên lạm phát, chuyên gia SSI cho biết lạm phát tại Việt Nam diễn biến chậm hơn so với thế giới. Trong khi lạm phát đã tăng mạnh trên thế giới từ năm ngoái, năm nay áp lực lạm phát mới cao hơn tại Việt Nam.
Trong ngắn hạn, Việt Nam có khả năng kiểm soát tốt hơn thế giới vì quản lý trực tiếp vào giá các mặt hàng, ví dụ như xăng dầu có quỹ bình ổn giá. Còn nhìn theo lịch sử, năm 2017 – 2018 giá xăng dầu cũng tăng mạnh nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.
Ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng dầu tăng nhưng trên góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng sẽ tác động đáng kể đến các ngành vận tải, du lịch, sản xuất.
Theo dữ liệu của FiinGroup, đối với riêng ngành hàng không, giá nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá vốn. Nếu giá xăng tăng 10% thì ảnh hưởng đến 30% lợi nhuận sau thuế của ngành hàng không, một ngành vốn được kỳ vọng sẽ được phục hồi khi Việt Nam mở cửa trở lại.
Thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, phân khúc nào được hưởng lợi?
Trong phiên giao dịch hôm hay (23/2), nhóm dầu khí vẫn là điểm nhấn khi sắc xanh lan toả toàn ngành trong bối cảnh giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng.
Các mã PTV, PVS, PVC, PVB duy trì sắc tím suốt phiên, PVD thậm chí có lúc cũng lên trần 34.250 đồng/cp, nhưng chịu lực bán cuối phiên nên đóng cửa tăng 4,5% lên 33.500 đồng/cp. Sau khi tăng mạnh trong phiên sáng, đà tăng của một số cổ phiếu như GAS, PLX, POW cũng bị thu hẹp đáng kể.
Nhận định về triển vọng ngành dầu khí, ông Phạm Lưu Hưng cho biết toàn ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng. Những doanh nghiệp thuộc phân khúc "nước chảy chỗ trũng" như trung nguồn, hạ nguồn sẽ được hưởng lợi sớm nhất.
Đối với những doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD... thường triển khai dự án nên tác động sẽ được phản ánh trong dài hạn. Nếu giá dầu tăng mạnh và bền vững, nhu cầu đầu tư vào ngành sẽ cao hơn, từ đó những doanh nghiệp này hưởng lợi.
Có quan điểm trái chiều, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng cổ phiếu ngành dầu khí sẽ phân hoá trong thời gian tới. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thượng nguồn rất thấp nên định giá không thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, những doanh nghiệp hạ nguồn như PLX sẽ thực sự hưởng lợi, minh chứng cho thấy khối ngoại mua ròng rất nhiều PLX thời gian qua.
Trước triển vọng giá dầu tiếp tục neo cao, một doanh nghiệp lớn trong ngành là BSR lại lên kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 79%.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thuân cho biết ngành dầu khí thường có vốn góp của nhà nước, nên lãnh đạo và cổ đông sẽ đặt mục tiêu thận trọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành dầu khí họp ĐHĐCĐ trong giai đoạn giá dầu 60 USD/thùng và các công ty chứng khoán cũng chỉ lập dự phóng dựa trên mức giá dầu tăng lên 70 USD/thùng chứ không ở mức quá cao 100 USD/thùng như hiện tại.