|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá vé máy bay sẽ vẫn cao dù giá dầu giảm

23:35 | 10/06/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không dự báo tuy giá dầu giảm nhưng giá vé máy bay có thể vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN).

Giá vé máy bay vốn đã tăng cao sau khi nhu cầu đi lại hàng không dần phục hồi từ năm 2022 do các nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch COVID-19. Song năm nay, ngay khi các hãng hàng không dự kiến rằng số lượng hành khách sẽ hồi phục về mức trước đại dịch cũng là lúc giá vé máy bay thực sự tăng nhanh. 

Tại Pháp, số liệu của cơ quan hàng không dân dụng nước này cho thấy trung bình giá vé máy bay tháng 4/2023 cao hơn 32,6% so với cùng kỳ 4 năm trước đó. Riêng giá vé máy bay đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương tăng tới 51%. Tại Mỹ, chỉ số do Cục Dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh St Louis công bố cho thấy giá vé máy bay tăng 11% giữa tháng 4/2019 và tháng 4/2023. Giá vé vẫn tăng dù giá dầu đã giảm từ mức cao nhất vào đầu năm 2022 khi cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na) xảy ra.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính giá nhiên liệu sẽ giảm xuống mức trung bình là 98,5 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 135,6 USD/thùng vào năm ngoái.

Chiếm khoảng 25%-30% chi phí của các hãng hàng không, nhiên liệu thường là yếu tố tác động đáng kể tới giá vé. Tuy vậy, theo nhà kinh tế trưởng của IATA, bà Marie Owens Thomsen, các yếu tố như chi phí lao động và các chi phí khác liên quan chuỗi cung ứng vẫn đang ngày càng tăng. Các hãng hàng không sẽ phải tìm cách để bù đắp cho những chi phí này nếu không muốn trở lại thời kỳ thua lỗ ngay khi vừa mới phục hồi và còn đang "còng lưng" trả những khoản nợ khổng lồ chồng chất từ đại dịch COVID-19.

Theo ông Vik Krishnan, chuyên gia lĩnh vực hàng không tại hãng tư vấn chiến lược Mc Kinsey, vấn đề chính hiện nay không còn nằm ở giá dầu mà ở thực tế rằng nhu cầu đang quá cao trong khi năng lực vận chuyển chưa thể đáp ứng kịp thời. Danh sách nhận đặt hàng của các hãng chế tạo máy bay đã có lúc đầy cho đến cuối thập niên này nhưng ngay lúc này, các hãng vẫn chật vật để hoàn thành mục tiêu bàn giao vì thiếu các bộ phận hoặc vật liệu.

 
Bên cạnh đó, lương nhân công cũng đang là một vấn đề "đau đầu". Chuyên gia Geoffrey Weston của công ty tư vấn Bain& Company cho rằng nhiều hãng hàng không phải điều chỉnh hợp đồng với nhân viên, từ phi hành đoàn, đội ngũ phục vụ trên máy bay đến toàn bộ chuỗi cung ứng gồm nhân viên kiểm soát mặt đất, đội bảo trì...và tất cả đều phải trả mức lương cao hơn đáng kể so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Không có nhiều yếu tố có thể giúp giảm giá vé máy bay trong tình hình hiện nay. Và trong bối cảnh các hãng hàng không phải đầu tư hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn tỷ USD cho các máy bay mới và nhiên liệu tái chế để đạt các mục tiêu phi carbon hóa vào năm 2050, nhà kinh tế Owens Thomsen của IATA cho rằng sẽ không có chuyện giá vé máy bay sẽ giảm trong thời gian ngắn. Các chi phí đều sẽ tăng cho tới điểm mà tất cả những giải pháp trên đều trở nên khả thi về mặt thương mại và tạo ra một điểm cân bằng. Bà dự báo "điểm may mắn" đó chỉ xảy ra vào khoảng năm 2040.
Trước đó, IATA ngày 5/6 dự báo các hãng hàng không sẽ phục vụ 4,35 tỷ lượt hành khách trong năm nay, gần mức cao kỷ lục của năm 2019 khi ngành này tiếp tục quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Dự báo trên được Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh đưa ra tại hội nghị thường niên của IATA diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cũng theo IATA, ngành hàng không toàn cầu cũng dự kiến đạt lợi nhuận ròng 9,8 tỷ USD. Con số này tăng gấp đôi so với mức ước tính trước đó, chủ yếu nhờ Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát dịch bệnh. IATA cũng cho biết khoản lỗ của ngành hàng không năm 2022 là 3,6 tỷ USD, chỉ bằng 50% mức ước tính trước đó.

IATA đánh giá hoạt động tài chính của các hãng hàng không năm 2023 sẽ vượt dự báo và lợi nhuận tăng mạnh hơn nhờ một số diễn biến tích cực, bao gồm Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch sớm hơn dự kiến.

Về phần chi phí, giá nhiên liệu máy bay hiện vẫn cao, nhưng đã ổn định trong nửa đầu năm nay. Lạm phát leo thang trên thế giới sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022, đẩy giá năng lượng tăng vọt. Song giá dầu và khí tự nhiên đã giảm kể từ đó.

IATA cũng nêu rằng những bất ổn kinh tế không khiến nhu cầu du lịch bằng đường không giảm sút, ngay cả khi giá vé tăng do chi phí nhiên liệu đội lên.

Đại dịch COVID-19 đã gây tác động nặng nề đối với ngành hàng không thế giới. Năm 2020, ngành hàng không thế giới báo lỗ 137 tỷ USD khi các nước áp đặt biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới. Ngành hàng không thế giới báo lỗ thêm 42 tỷ USD vào năm 2021 và tiếp tục thua lỗ vào năm ngoái khi thị trường lớn như Trung Quốc duy trì các biện pháp phòng dịch. Từ tháng 12/2022, Trung Quốc đã dần nới lỏng những biện pháp kiểm soát này.

Tuy vậy, IATA kỳ vọng ngành hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dần phục hồi trong năm nay, mặc dù vẫn còn một số tồn tại trong chuỗi cung ứng và hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19. Ông Philip Goh, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IATA, khẳng định: "Sẽ mất ít nhất 2 năm để du lịch quốc tế trở lại mức bình thường, trong khi đó chỉ số khách luân chuyển (RPK) sẽ trở lại bình thường vào năm 2025". 

Theo ông Philip Goh, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn 6 tháng so với dự kiến là một "cú huých" lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương cũng như ngành hàng không trên toàn thế giới.

Vào tháng 4/2023, chỉ số khách luân chuyển ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 82% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi, RPK nội địa đã vượt qua mức của năm 2019, du lịch quốc tế trong khu vực phục hồi ổn định nhưng chỉ ở mức 66%. Ông Goh tin rằng sẽ mất ít nhất 2 năm để du lịch quốc tế trở lại mức bình thường và RPK dự kiến sẽ trở lại bình thường vào năm 2025.

Trong khi đó, ngành hàng không toàn cầu năm nay dự báo đạt lợi nhuận ròng 9,8 tỷ USD trên tổng doanh thu 803 tỷ USD. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn có thể tụt lại so với các khu vực khác với khoản lỗ ròng lên tới 6,9 tỷ USD.

Ông Goh kỳ vọng khu vực này sẽ có sự cải thiện vào năm tới, nhưng lưu ý rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ngành hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng trưởng dương.

Về phần mình, hãng hàng không Anh EasyJet ngày 17/5 đã giảm mức lỗ ròng trong nửa đầu năm tài chính hiện nay (kết thúc tháng 9/2023) nhờ nhu cầu mạnh, khi lĩnh vực hàng không phục hồi sau đại dịch. EasyJet lỗ sau thuế 307 triệu bảng (382 triệu USD) trong sáu tháng tính đến cuối tháng 3/2023, so với mức lỗ 431 triệu bảng trong cùng kỳ năm ngoái, khi lĩnh vực hàng không rơi vào tình trạng thiếu nhân sự để đáp ứng nhu cầu mạnh sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được dỡ bỏ.

Doanh thu của hãng tăng 80%, lên 2,7 tỷ bảng, khi giá vé và công suất tăng. Nhưng chi phí tăng tới 52%, lên 3,1 tỷ bảng, do giá nhiêu liệu máy bay tăng mạnh và sức ép lạm phát. Theo Giám đốc điều hành Johan Lundgren, mạng lưới hoạt động của EasyJet được tối ưu hóa cùng với nhu cầu mạnh đã thúc đẩy doanh thu và hoạt động của hãng, giúp hãng lạc quan về triển vọng trong mùa Hè.

Các số liệu trên được công bố sau khi EasyJet cập nhật dự báo lợi nhuận năm hai lần trong năm nay, nhờ nhu cầu đi nghỉ dù khủng hoảng sinh hoạt phí tại Anh. Trong tháng trước, EasyJet đã cho rằng lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính hiện nay này sẽ vượt dự kiến 260 triệu bảng.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ của Ireland (Ai-len) Ryanair ngày 22/5 thông báo đã đạt lợi nhuận ròng nhờ sự phục hồi "mạnh mẽ" sau đại dịch COVID-19 bất chấp chi phí tăng vọt. Trong một thông báo, Ryanair cho hay lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD) trong 12 tháng tính đến cuối tháng 3/2023, sau khi lỗ ròng 355 triệu euro trong năm tài chính trước đó.

Ryanair đã thu hẹp khoản lỗ trong năm tài chính 2021/2022 trước đó, nhờ việc các lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ. Giám đốc điều hành Ryanair Michael O'Leary cho biết trong năm tài chính 2022/2023, hãng đã chứng kiến lưu lượng đi lại phục hồi rất mạnh mẽ sau đại dịch. Mọi người đã bị kìm chế nhu cầu đi lại trong suốt hai năm qua.

Doanh thu đã tăng hơn gấp hai lần lên 10,8 tỷ euro do giá vé tăng. Hãng hàng không này cũng báo cáo "mức tăng thị phần mạnh mẽ" ở Italy (I-ta-li-a), Ba Lan, Ireland, Tây Ban Nha và các nơi khác ở châu Âu. Lưu lượng khách hàng đã tăng vọt 74% lên 168,6 triệu lượt hành khách, với giá vé cao hơn 10% so với mức trước đại dịch.

Ông O'Leary cho biết thêm lưu lượng đi lại hiện đang tăng 13-14% so với lượng trước COVID-19, nhưng khả năng sinh lời vẫn chậm hơn một chút so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động đã tăng 75% lên 9,2 tỷ euro. Ryanair cũng phải đối mặt với khoản lỗ ròng 154 triệu euro trong quý IV/2022.

Kết quả trên được đưa ra hai tuần sau khi Ryanair đặt hàng 300 máy bay Boeing 737 MAX trị giá hơn 40 tỷ USD, dự kiến bàn giao từ năm 2027, cùng với một đợt tuyển dụng lớn mà hãng này hy vọng sẽ thúc đẩy sự mở rộng quy mô lớn.

Ryanair đang đặt mục tiêu tăng 80% lưu lượng hành khách hàng năm lên 300 triệu lượt khách du lịch vào năm 2034, so với năm 2023. Hãng có kế hoạch tuyển dụng hơn 10.000 thành viên phi hành đoàn, kỹ sư và phi công mới để giúp đạt được mục tiêu.

Đối thủ lớn của Ryanair tại Anh là EasyJet vào tuần trước thông báo hãng đã cắt giảm khoản lỗ ròng trong nửa đầu năm tài chính, hoặc sáu tháng tính đến tháng 3/2023, khi toàn ngành đều tiếp tục ghi nhận sự phục hồi.

 

Minh Hằng