Giá vàng tăng phi mã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và có thể vẫn chưa dừng lại
Theo CNN Business, giá vàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, với giá giao ngay đạt mức 2.041 USD/ounce vào ngày thứ 5/8.
Theo Reuters, từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng thêm 500 USD/ounce và chỉ riêng hai tuần qua giá vàng đã tăng thêm 200 USD/ounce.
Nhiều người lo ngại với mức tăng phi mã như thế thị trường sẽ có sự điều chỉnh, tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán giá vàng vẫn sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong bối cảnh dịch COVID-19 thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng như một cách an toàn để bảo vệ tài sản.
Sự suy yếu của đồng USD giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua vàng với mức giá rẻ, đồng thời lãi suất của các loại tài sản khác vẫn bị mắc kẹt ở mức thấp kỉ lục cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng “chóng mặt”, theo CNN Business.
Theo Reuters, lợi tức trái phiếu Mỹ được coi là một tài sản an toàn và phổ biến hơn nhiều so với vàng trong thời điểm bình thường, đã giảm từ 0,15% xuống -1,07% vào đầu năm 2020 khiến vàng trở thành lựa chọn thích hợp hơn đối với các nhà đầu tư.
Đồng USD trước đó cũng được coi là một loại tài sản an toàn hơn vàng, đã trượt dốc xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây khi mà các ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ ngày càng gia tăng.
Nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào vàng và các kim loại quý khác khi chỉ số đồng USD liên tục suy yếu.
Trong năm nay, đồng USD giảm hơn 3% so với các đồng tiền khác do Fed liên tục hạ lãi suất về 0%.
"Khi lãi suất bằng 0%, đầu tư vào vàng hấp dẫn hơn là việc gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Hơn thế nữa, từ trước đến nay, vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh xảy xa những bất ổn", ông Ed Keon, giám đốc chiến lược đầu tư của công ty QMA nhận định.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề và đồng USD giảm gần 10% kể từ tháng 3.
Theo CNN Business, một số nhà đầu tư cũng lo ngại gói kích thích hàng nghìn tỉ USD từ các ngân hàng trung ương có thể khiến lạm phát tăng, đẩy lợi nhuận thực của trái phiếu xuống thấp hơn nữa nên chuyển sang giao dịch vàng như một loại tài sản an toàn nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên cơn sốt vàng cũng đem lại những hậu quả đáng chú ý.
SPDR Gold Shares (GLD), một quĩ tín thác vàng nắm giữ vàng vật lí trong kho của ngân hàng HSBC tại London, đã tích trữ một lượng lớn vàng trong những ngày gần đây khi mà các nhà đầu tư đổ xô đi mua thứ kim loại quí giá này.
Quĩ tín thác SPDR Gold Shares, được điều hành bởi ngân hàng State Street có trụ sở tại Boston và Hội đồng vàng thế giới WGC, hiện đang nắm giữ 1.258 tấn vàng, nhiều hơn cả số vàng có tại ngân hàng Anh và ngân hàng Nhật Bản.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán rằng đồng USD sẽ suy yếu thêm 5% trong 12 tháng tới, một phần là do các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn hậu COVID-19.
Lợi suất trái phiếu chính phủ chuẩn dự kiến sẽ ở mức cực thấp khi các ngân hàng trung ương duy trì mức hỗ trợ.
Theo Reuters, ngân hàng Mỹ dự đoán giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới.
Tuy nhiên nhu cầu đối với vàng ở châu Á đã giảm bởi mức giá cao cũng như các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia và chưa có dấu hiệu phục hồi, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn.
Gianclaudio Torlizzi của hãng tư vấn T-Commodity cho biết: “Đây là thị trường để bán, chứ không phải để theo đuổi mức giá cao. Sau một vài đợt điều chỉnh giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce, tuy nhiên ít có khả năng tăng hơn nữa”.
Theo CNBC, giới chuyên gia cho rằng thậm chí giá vàng có thể đạt mức 3.500 USD/ounce trong vòng hai năm tới.
Theo ông Barry Dawes, giám đốc công ty Martin Place Securities nhận định: "Thị trường vàng đang rất mạnh và tôi cho rằng giá có thể lên tới 3.500 USD trong vòng 2 năm tới. Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ ổn định quanh mức 2.000 USD/ounce".