|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng SJC phi mã lên 50,64 triệu đồng/lượng, nên mua vào hay chốt lời?

14:05 | 09/07/2020
Chia sẻ
Trong 4 ngày qua, kể từ ngày giá vàng trong nước vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, mỗi ngày qua đi kim loại quí này đều ghi nhận một mức kỉ lục mới và đà tăng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu.

Giá vàng trong nước lại lập kỉ lục mới

Trong phiên giao dịch hôm qua (8/7), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã ghi nhận kỉ lục thứ ba kể từ ngày lập đỉnh 50 triệu đồng/lượng.

Đến trưa nay (9/7), các hệ thống này một lần nữa tăng giá mua bán vàng lên đỉnh mới, trong đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mua vào với giá 50,22 triệu/lượng và bán ra ở mức 50,62 - 50,64 triệu đồng, tăng đồng loạt 270.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua.

Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của doanh nghiệp này nói riêng và các hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng được ghi nhận tại thị trường trong nước.

Đà tăng giá không ngừng cũng được Tập đoàn Doji duy trì khi mua vào ở mức 50,18 triệu/lượng, tăng 150.000 đồng so với chiều qua. Giá bán tại đây cũng tăng 190.000 đồng, hiện đạt 50,48 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC

Ngày 9/7/2020

Thay đổi (nghìn đồng/lượng)

Mua vào

(triệu đồng/lượng)

Bán ra

(triệu đồng/lượng)

Mua vào

Bán ra

Vàng miếng

SJC chi nhánh Hà Nội

50,22

50,64

+270

+270

SJC chi nhánh Sài Gòn

50,22

50,62

+270

+270

Tập đoàn Doji

50,18

50,48

+150

+190

Tập đoàn Phú Quý

50,25

50,55

+230

+300

PNJ chi nhánh Hà Nội

50,15

50,50

+400

+250

PNJ chi nhánh Sài Gòn

50,15

50,50

+400

+250

Vàng SJC tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 12h30. (Tổng hợp: Tuệ Mẫn)

Tương tự, tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC tăng vọt 230.000 -300.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch ở mức 50,25 - 50,55 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua - bán.

Và tại hệ thống PNJ, giá vàng miếng ở mức 50,15 - 50,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng đến 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên 8/7.

Đà tăng hôm nay cũng đánh dấu phiên tăng thứ 6 liên tiếp của vàng trong nước và là phiên thứ 4 đạt kỉ lục mới trong tuần này. So với đầu năm, vàng miếng hiện cao hơn 7,65 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 18%.

Giá vàng SJC phi mã lên 50,64 triệu đồng/lượng, nên mua vào hay chốt lời? - Ảnh 2.

Giá vàng trong nước ghi nhận kỉ lục mới là 50,64 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Huỳnh.

Nhận định về xu hướng này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay: "Khác với đầu năm, vàng trong nước tăng liên tục gần đây không đến từ nhu cầu cao đột biến của nhà đầu tư mà chủ yếu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới tăng mạnh".

Đây cũng là nguyên nhân khiến vàng trong nước không tăng đột biến mà tăng đều qua từng phiên, chênh lệch giá mua bán duy trì ở mức vừa phải, và không vượt xa khỏi quĩ đạo của vàng thế giới.

Giá vàng thế giới nhảy vọt

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng 0,22%, đang ở ngưỡng 1.812,6 USD/ounce theo Kitco, cao hơn 18 USD/ounce so với phiên liền trước; tăng trên 41% so với đầu năm 2019.

Qui đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 50,86 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn khoảng 220.000 đồng so với giá trong nước.

Giá vàng SJC phi mã lên 50,64 triệu đồng/lượng, nên mua vào hay chốt lời? - Ảnh 3.

Diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới. Nguồn: Kitoc.com.

Theo Reuters, vàng đã vượt qua ngưỡng 1.800 USD, tăng cao nhất kể từ tháng 9/2011, khi các nhà đầu tư đặt sự an toàn vì COVID-19 cùng với việc các ngân hàng trung ương đã kích hoạt biện pháp mạnh mẽ để bù đắp cho sự sụp đổ kinh tế.

Suki Cooper, nhà phân tích của Standard Chartered cho rằng: "Nhu cầu đầu tư tăng cao đã bù đắp nhiều hơn sự yếu kém trên thị trường vàng vật chất và các mang lưới trao đổi sản phẩm giao dịch (ETP) sẽ làm đòn bẫy giúp vàng tiến cao hơn".

Ngoài ra giá vàng thế giới vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn mặc dù dữ liệu vĩ mô tích cực và tâm lí rủi ro, nhưng sự suy yếu của đồng USD là động lực chính vẫn mang lại lợi nhuận thực sự hỗ trợ vàng tăng.

Có nên đầu tư vàng vào lúc này?

Việc kim loại quí này liên tục thiết lập các mức cao kỉ lục khiến không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả người dân đang nắm giữ vàng, hoặc đang có ý định mua vàng cũng đứng ngồi không yên.

Bởi, nếu mua vàng từ những năm trước thì đến thời điểm này, vàng đã lãi khoảng gấp rưỡi và nhiều người dân có ý định bán vàng chốt lời, nhưng cũng không ít người kì vọng kim loại quĩ sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, những người có tiền nhàn rỗi cũng lưỡng lự không kém khi họ không biết vàng có tiếp tục lên để mua vào hay sẽ quay đầu giảm.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong số các kênh đầu tư hiện nay bất động sản hiện có tính thanh khoản thấp, ngoại tệ đang ổn định cho nên chỉ có vàng và tiền gửi tiết kiệm là hai kênh đầu tư sinh lời khá hấp dẫn.

Song người dân không nên đổ xô vào vàng, mà chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền nhàn rỗi vào vàng.

“Ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ cũng cần xác định được thời điểm chốt lời dù giá vàng có lên bao nhiêu đi chăng nữa. Bởi có khi chỉ cố chờ thêm vài giờ đồng hồ thôi, giá vàng có thể đã bước sang thời điểm rơi tự do rồi”, ông Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Thái Lâm Toàn, chuyên gia Cố vấn Chiến lược Quản trị Doanh nghiệp cho rằng vàng luôn là tài sản an toàn và là nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư khi khủng hoảng kinh tế, chính trị, bạo loạn xảy ra.

"Điều này đúng và đã nhiều lần lặp đi lặp lại trong lịch sử. Điển hình như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giá vàng đã vọt lên 1900 USD/ounce vào tháng 11/2011.

Nếu theo dõi quĩ đầu tư SPRD Gold Trust chúng ta sẽ thấy từ đầu năm 2020 đến nay, quĩ này liên tục mua vào mặt hàng kim loại quí này. 

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên dành quá nhiều tài sản để đầu tư vào vàng mà nên tham gia cả các kênh đầu tư khác, vì không ai "bỏ hết trứng vào cùng một giỏ" như vậy sẽ rất rủi ro", TS. Thái Lâm Toàn khuyến cáo.

Như Huỳnh