|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng SJC giữ vững trước đà giảm của vàng thế giới

16:48 | 02/10/2023
Chia sẻ
Trái với biến động mạnh của thế giới từ đầu năm tới nay, giá vàng SJC chỉ dao động trong biên động hẹp 67 - 69 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới chạm đáy 6 tháng, vàng trong nước vẫn lặng sóng

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, giá vàng thế giới ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng là 1.847 USD/ounce. Đầu phiên sáng nay (theo giờ Việt Nam), đà giảm vẫn tiếp diễn, giao dịch quanh mức 1.843 USD/ounce. 

 

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Đợt bán tháo vàng diễn ra khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, trên 4,6%. Trong khi đó, chỉ số đồng USD đã tăng trên 106 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11.

 

Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

 

“Vàng đã giữ giá khá tốt, nhưng các nhà đầu tư hiện phải đối mặt với thực tế là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm hạ lãi suất. Lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục tồn tại, vì điều này, vàng đã bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Kevin Grady, chủ tịch của Phoenix Futures and Options

Vàng đã giảm gần 4% vào tuần trước, tuần giảm tệ nhất kể từ tháng 6/2021. Đồng thời, kim loại quý ghi nhận tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 2 xuống mức thấp nhất trong năm nay. 

Trong khi đó, giá vàng trong nước chỉ điều chỉnh nhẹ sau khi vượt mốc 69 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra hôm 18/9. Tính đến 9h ngày 2/10, giá vàng SJC ở hai chiều mua bán giao dịch lần lượt ở mức 68,1 - 68,9 triệu đồng/lượng. 

 

Diễn biến giá vàng SJC từ tháng 10/2021 đến 2/10/2023 (Nguồn: Wigroup) 

 

Trái với biến động mạnh của thế giới từ đầu năm tới nay, giá vàng SJC chỉ dao động trong biên động hẹp 67 - 69 triệu đồng/lượng. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông với nhau. Chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể nhập khẩu vàng. Chính vì thế sự biến động vàng trên thế giới ít ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Khoảng cách giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam rất lớn, có thời điểm 20 triệu đồng/lượng. 

“Vàng thế giới ảnh hưởng nhiều bởi Fed duy trì lãi suất cao và có thể cuối năm còn 1 đợt tăng nữa. Do đó, giá trị đồng USD tăng lên, tạo áp lực với giá vàng. Còn tại Việt Nam, vì vàng trong nước và vàng thế giới không liên thông nên các nhà kinh doanh không sẵn sàng hạ giá bán theo. Bên cạnh đó, nguồn cung không thay đổi, nhu cầu vẫn trầm lắng, do vậy, giá vàng không có nhiều biến động”, ông Hiếu nói. 

Theo ông Hiếu, trong quý IV, Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và giữ lãi suất ở mức cao. Điều này sẽ đẩy chỉ số đồng USD lên 110 vào cuối năm nay. Do vậy, giá vàng thế giới sẽ bị đẩy xuống.

“Việt Nam không nhập khẩu nhiều. Do đó, giá vàng trong nước sẽ phụ thuộc nhiều nhận định của các nhà kinh doanh kim loại quý này. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn thấp như hiện nay, giá trong nước vẫn sẽ đi ngang trong khoảng 68 - 69 triệu đồng/lượng từ nay đến cuối năm”, ông Hiếu nói. 

Đã đến lúc thay đổi Nghị định 24?

Theo Nghị định 24 năm 2012, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất được phép nhập khẩu, sản xuất vàng miếng. Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm đơn vị gia công vàng miếng.

Nghị định này nhằm ngăn chặn tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Nghị định 24 cần phải được sửa đổi để giúp giá vàng trong nước biến động sát hơn với thế giới, ngăn chặn tình trạng buôn vàng lậu. 

Trao đổi với Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường.

Vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên trên mốc 68 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới 14 - 15 triệu đồng/lượng.

“Đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng”, ông Hùng nói.

Trong tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước tiến hành lấy ý kiến 63 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sửa dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24.

Tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam. Đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để nghiên cứu và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24.

 

 

H.Mĩ