Giá vàng khó tăng 30% trong năm 2025 dù có nhiều yếu tố hỗ trợ?
Đà tăng lịch sử của vàng trong năm 2024 được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi năm mới đến gần. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng và kiềm chế sự lạc quan, đặc biệt trong nửa đầu năm 2025, theo Kitco News.
Dự báo giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce vào năm tới, nhưng phần lớn các chuyên gia nhận định đợt tăng mạnh này chỉ xuất hiện vào nửa cuối năm 2025. Trong khi đó, với mức giá hiện tại xoay quanh 2.650 USD/ounce, mục tiêu 3.000 USD sẽ tương ứng mức tăng khoảng 13%, thấp hơn so với mức tăng gần 30% trong năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, bà Chantele Schieven, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Capitalight Research, cho rằng thị trường vàng đang ở trạng thái “chờ đợi và quan sát” khi nhà đầu tư đánh giá sức khỏe kinh tế trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Đồng thời, thị trường cũng đối mặt với rủi ro địa chính trị và sự bất định khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Dù giá vàng đã chững lại sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 10, bà Schieven nhận định thị trường vẫn giữ được vị thế tốt bất chấp nhiều yếu tố bất lợi.
Trước thềm năm mới, giá vàng vẫn duy trì mức hỗ trợ quan trọng quanh 2.600 USD/ounce, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách cuối năm 2024 báo hiệu sẽ chỉ cắt giảm lãi suất hai lần vào năm tới, thay vì bốn lần như dự kiến trước đó.
Trong bối cảnh này, bà Schieven dự đoán giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.500-2.700 USD/ounce trong nửa đầu năm 2025, trước khi tăng mạnh và vượt mức 3.000 USD/ounce vào nửa cuối năm. Bà cũng nhấn mạnh rằng thị trường cần thời gian “tạm nghỉ” để chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng mới.
Ngân hàng Bank of America (BofA) cũng chia sẻ quan điểm tương tự, dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2025 nhưng có khả năng vượt 3.000 USD/ounce vào cuối năm. Ông Michael Widmer, Giám đốc điều hành và Trưởng nhóm nghiên cứu kim loại tại ngân hàng BofA, cho rằng hiện tại chưa có yếu tố rõ ràng nào để thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường vàng.
Các nhà phân tích của BofA cũng cảnh báo rằng vàng đang đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt là từ lợi suất trái phiếu cao hơn và đồng USD mạnh lên. Chính sách thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát và lãi suất cao hơn của chính quyền ông Trump dự kiến sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư phương Tây có thể gặp khó khăn, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi vẫn là yếu tố then chốt đẩy giá vàng lên. Ông John LaForge, Trưởng chiến lược tài sản thực tại ngân hàng Wells Fargo, nhận định rằng nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia đa dạng hóa tài sản khỏi đồng USD.
Ông cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ vàng từ các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục tăng mạnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đạt kỷ lục vào tháng 11/2024, với giá trị khoảng 14,8 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù nhu cầu vàng trang sức tại Ấn Độ có thể gặp áp lực ngắn hạn do các yếu tố văn hóa, nhu cầu đầu tư vàng vẫn được kỳ vọng duy trì ổn định.
Các chuyên gia tại State Street Global Advisors dự báo giá vàng năm 2025 sẽ chủ yếu dao động trong khoảng 2.600-2.900 USD/ounce với xác suất 50%, trong khi có 30% khả năng giá nằm trong khoảng 2.900-3.100 USD/ounce và chỉ 20% khả năng giảm dưới 2.600 USD/ounce. Các yếu tố như nhu cầu mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương, bất ổn kinh tế toàn cầu và xu hướng phi USD hóa được xem là các động lực chính hỗ trợ giá vàng