Giá trị BĐS toàn cầu cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu
Số liệu thống kê do Savills công bố mới đây cho biết, giá trị của tất cả loại hình bất động sản trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục với 326.500 tỷ USD vào năm 2020, tăng 5% so với năm 2019.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ bất động sản nhà ở, đây cũng là phân khúc bất động sản chiếm tỷ trong lớn nhất, tương đương 79% tổng giá trị bất động sản toàn cầu. Giá trị của bất động sản nhà ở trong năm vừa qua tăng 8%, đạt mức 258.500 tỷ USD.
Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất trên thế giới, giá trị bất động sản toàn cầu cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu và gấp gần 4 lần GDP toàn cầu. Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay khoảng 12.100 tỷ USD, chỉ chiếm 4% giá trị bất động sản toàn cầu.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng giá trị bất động sản toàn cầu đạt mức 5% vào năm 2020, thấp hơn tổng giá trị của các khoản trái phiếu (tăng 17%), cổ phiếu (tăng 20%) hoặc vàng (tăng 29%).
Thị phần các nước ra sao?
Riêng với bất động sản nhà ở, theo dữ liệu của Savills, Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường nhà ở có giá trị nhất thế giới và chiếm tới 30% tổng giá trị toàn cầu. Tổng giá trị nhà ở tại nước này đã tăng 13% vào năm 2020 do giá cả tăng mạnh cùng với sự ra mắt các nguồn cung mới.
Theo sau là thị trường Mỹ, chiếm 11% tổng giá trị bất động sản nhà ở của thế giới. Theo số liệu ghi nhận, 10 quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Ý và Úc, chiếm 75% tổng giao dịch nhà ở toàn cầu. Những bất động sản có giá trị cao tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 43% tổng giá trị toàn cầu, mặc dù số dân ở đây chỉ chiếm 17% dân số thế giới.
Còn tại Việt Nam, Savills nhận định, trong khi dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ thì bất động sản nhà ở vẫn là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Quý II/2021 là quý thứ 10 liên tiếp thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức giá tăng, với giá sơ cấp tại quận Cầu Giấy tăng khoảng 14%/năm kể từ năm 2017. Tại TP HCM, với việc nguồn cung sơ cấp hạn chế, các hoạt động của thị trường bất động sản thấp tầng vẫn khá tốt, với mức tăng giá thứ cấp đạt 15 - 20% tại quận 7, quận 9 và Nhà Bè.
Với bất động sản thương mại, Mỹ là thị trường bất động sản thương mại lớn nhất toàn cầu, với 27% tổng giá trị. Tiếp đến là Trung Quốc với 16% và Nhật Bản là 6%. Ba quốc gia này chiếm gần một nửa tổng giá trị bất động sản thương mại toàn cầu.
Đơn vị này dự báo, bất động sản thương mại toàn cầu một lần nữa sẽ đạt mức cao mới vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng về giá trị dự kiến là 5% vào năm 2021. Điều này sẽ đảo ngược sự sụt giảm của năm 2020 và đẩy tổng giá trị thương mại lên 34,3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, thiết lập con số kỷ lục mới.
Với đất nông nghiệp, phân khúc này được định giá khoảng 35.400 tỷ USD và hiện đang có giá trị hơn tất cả các loại hình bất động sản thương mại, sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, tổng giá trị này đã giảm 7% vào năm 2020, nguyên nhân là do sự giảm giá tại khu vực ở Nam Mỹ do những biến động về chính trị và những ảnh hưởng của đại dịch.
Về triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, Việt Nam đang đón nhận nhiều xu hướng bất động sản nhà ở mới với các sản phẩm đa dạng và chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với thị hiếu của người mua nhà.
Ngoài ra, sự phát triển trong hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đồng thời thúc đẩy xu hướng bất động sản vùng ven tại các thành phố lớn. Tiềm năng phát triển của thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở bất động sản nhà ở, các phân khúc hứa hẹn khác có thể kể đến là bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp và bất động sản bán lẻ.