|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, hai 'thái cực' của doanh nghiệp

08:17 | 07/06/2018
Chia sẻ
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam dự báo đến tháng 8 hoặc tháng 9 giá tôm nguyên liệu sẽ hồi phục do người dân không còn nuôi thả tôm nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tình hình người nuôi ngưng thả tôm nuôi kéo dài, khả năng các nhà máy chế biến tôm sẽ thiếu hụt nguyên liệu từ đầu quý III.
gia tom nguyen lieu giam manh hai thai cuc cua doanh nghiep Giá tôm liên tục thả dốc từ đầu năm đến nay
gia tom nguyen lieu giam manh hai thai cuc cua doanh nghiep VASEP khuyến cáo người nuôi tôm không nên 'treo ao'

Thị trường tiêu thụ gặp khó, dự báo đến tháng 8 giá tôm nguyên liệu sẽ hồi phục

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex - Mã: SEA ) cho biết trong tháng 5 giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm, loại 60-70 con/kg hiện còn 100.000-110.000 đồng/kg, trước đó giá hơn 120.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg từ mức giá khoảng 90.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 70.000-72.000 đồng/kg.

Theo ông Tân, giá tôm thẻ chân trắng giảm do ảnh hưởng giá tôm thế giới giảm, một số nước xuất khẩu tôm trên thế giới đã hạ giá bán để cạnh tranh. Cụ thể, Ấn Độ và Thái Lan trúng mùa, nhưng không có kho lạnh để dự trữ nên bán tháo ra thị trường với giá rẻ. Mặt khác, do Ấn Độ bị vướng rào cản xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu nên nước này tìm các thị trường khác để bán.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ Nhật Bản vẫn chần chừ, chưa mua vào. Theo lý giải của ông Tân, Nhật Bản có rất nhiều chi nhánh ở Việt Nam, nắm rất rõ tình hình nên họ đợi giá giảm tôm giảm sâu mới bắt đầu mua vào. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng gặp khó khăn, lượng tiêu thụ tôm sú ướp đá giảm mạnh. Riêng về thị trường ở Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Indonesia, Ecuado, Trung Quốc, Mexico... trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam.

Ông Tân cho biết đây cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chế biến không dám thu mua nguyên liệu nhiều dù giá khá thấp. Ông dự báo đến tháng 8 hoặc tháng 9 giá tôm nguyên liệu sẽ hồi phục do người dân không còn nuôi thả tôm nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tình hình người nuôi ngưng thả tôm nuôi kéo dài, khả năng các nhà máy chế biến tôm sẽ thiếu hụt nguyên liệu từ đầu quý III. Theo đó, giá tôm nguyên liệu Việt Nam dự báo quay đầu tăng mạnh, gây thêm khó khăn cho kế hoạch tiêu thụ tôm chế biến.

gia tom nguyen lieu giam manh hai thai cuc cua doanh nghiep

Người tự tin, người lo “sốt vó”

Trước sự biến động của giá tôm nguyên liệu nêu trên, Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho rằng, hoạt động của Công ty không bị tác động đáng kể, bởi phần lớn sản phẩm Công ty đi vào hệ thống tiêu thụ cấp cao và hưởng lợi ích từ phân khúc thị trường này. Các tháng đầu năm, hoạt động Công ty có kết quả tốt hơn so cùng kỳ năm trước.

5 tháng đầu năm 2018, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 14,3 triệu USD (so cùng kỳ năm trước là 11,9 triệu USD). Công ty đã thả nuôi 156 ao tôm trong đó ao thả sớm đã non 60 ngày tuổi, phát triển tốt. Dự kiến trong tháng 6 sẽ thả thêm 88 ao đang làm mới và kết thúc vụ thả nuôi chính năm 2018 ở cuối tháng 6 và lúc đó cũng là khởi đầu thu hoạch những ao thả đầu tiên.

Bên cạnh đó, mặc dù giá tôm chân thẻ giảm 20-30% nhưng kết quả kinh doanh 5 tháng 2018 của “vua tôm” Minh Phú vẫn khả quan khi sản xuất được 23.147 tấn tôm thành phẩm, tăng hơn 19% so cùng kỳ 2017. Xuất khẩu được 19.466 tấn, tăng gần 12% so cùng kỳ và thu về hơn 225,8 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 330 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cho biết, trong bối cảnh giá tôm giảm thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến như Minh Phú được hưởng lợi, vì thế lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm nay có thể trên 1.150 tỷ đồng, vượt xa con số kế hoạch cũng như thực hiện của năm 2017.

Theo ông, đã đến lúc doanh nghiệp ngành tôm phải tuyệt đối chú ý sản phẩm làm ra hướng đến thị trường chứ không phải đi bán những gì mình có. Thị trường vẫn cần loại 30 - 50 con/kg và thực tế giảm không nhiều, trong khi đang thừa loại 80 - 100 con/kg, nên doanh nghiệp khó có thể mua với giá cao.

Trong khi đó, đại diện Seaprodex cho biết, để đẩy mạnh thu mua nguyên liệu vào thời điểm này, Công ty đã phải bỏ thêm vốn để đầu tư kho dự trữ đông lạnh. Nguồn cung giảm mạnh nên đầu ra của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Kết thúc quý I/2018, Seaprodex ghi nhận doanh thu thuần 302 tỷ đồng, giảm 29%; lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.

Cùng chung cảnh ngộ, chủ một doanh nghiệp nuôi tôm ở Nha Trang cho biết, giá tôm nguyên liệu giảm sâu ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến. Nhiều trang trại buộc phải dừng nuôi thả tôm, đợi giá tăng lên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và đầu ra của doanh nghiệp.

Theo đó, chủ doanh nghiệp này kiến nghị với cơ quan nhà nước, giảm thuế suất và hỗ trợ doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn như hiện nay. Ông cho biết, hiện tại người nuôi không nuôi thả tôm tràn lan mà đã có đủ kỹ thuật và bỏ rất nhiều vốn nhưng vẫn chịu nhiều thiệt hại khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.

Xem thêm

Minh Anh