|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu tăng mạnh: Lợi nhuận vẫn chưa đủ hấp dẫn người trồng, khách hàng nhập khẩu dè dặt đặt hàng

12:05 | 12/06/2023
Chia sẻ
Mức giá tiêu khoảng 70.000 đồng/kg vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái trồng tiêu vụ mới trong bối cảnh phải cạnh tranh với các loại cây khác cạnh tranh hơn về lợi nhuận. Trong khi đó, giá hiện tại lại không hấp dẫn đối với khách hàng nhập khẩu.

Giá tiêu nội địa tăng mạnh nhưng chưa đủ hấp dẫn

Từ đầu năm đến nay, giá tiêu đã tăng mạnh khoảng 26%. Những ngày đầu tháng 6, giá tiêu có xu hướng hạ nhiệt sau đà tăng nóng kéo dài suốt đầu tháng 4 đến tháng cuối tháng 5. Tuy nhiên, giá vẫn neo ở quanh mức 70.000 - 72.000 đồng/kg. 

 H.Mĩ tổng hợp

Lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến sau khi nước này mở cửa trở lại sau thời gian dài thực hiện chính sách Zero COVID là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá hồ tiêu tăng. 

Theo đó, lượng tiêu xuất khẩu sang nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 46.169 tấn, tương đương khoảng 35% tổng lượng tiêu xuất khẩu của cả nước.

 

 Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái trồng tiêu vụ mới trong bối cảnh phải cạnh tranh với các loại cây khác cạnh tranh hơn về lợi nhuận. Hiện chi phí trồng tiêu khoảng 63.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại người dân có lợi nhuận khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg.

Trong khi đó mức giá hiện tại lại không hấp dẫn đối với khách hàng nhập khẩu. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA): “Đà tăng giá tiêu của Việt Nam vừa qua gây phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu của Châu Âu và Mỹ. Họ cho rằng giá hiện tại không cạnh tranh và kỳ vọng vào nguồn cung từ Indonesia vào tháng 7 sẽ giúp thị trường hạ nhiệt”. 

Ngoài ra, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết trên thực tế lượng hàng tồn từ các năm trước cũng giúp cho các nhà mua từ EU và Mỹ nấn ná lưỡng lự chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua. 

Trong 5 tháng đầu năm, lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 21.093 tấn. 

Tại Châu Âu, lượng tiêu xuất khẩu giảm gần 10% xuống 22.166 tấn. Trong đó, nhiều thị trường chủ chốt ghi nhận giảm mạnh như Đức (-37%), Ireland(63%), Anh (14%). 

 

  Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

"Có thế nói rằng nhà mua đánh giá mức giá hiện nay là chưa hấp dẫn, là chưa cạnh tranh, cộng thêm tâm lý chờ hàng vụ mới của Indonesia và Brazil nên đang cố gồng thị trường để có thể đẩy giá xuống. Thị trường đang có sự giằng co giữa người mua và người bán. Sau khi Indonesia và Brazil vào vụ thu hoạch sẽ có đánh giá sát thực tế hơn về vụ mùa để cân nhắc giao dịch”, bà Liên cho biết.

Bà Liên khuyến cáo với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường nên khuyến cáo doanh nghiệp cần tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp.

Nguyên nhân là khi các nước vào vụ giá xuống; và khi giá lên không mua đủ để giao xa, gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh.

Hiện tại giá tiêu xuất khẩu vẫn trong xu hướng giảm dù giá trong nước tăng. Tính đến tháng 5, giá tiêu xuất khẩu trung bình ở mức 3.106 USD/tấn, giảm so với mức 3.157 của tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3.138 USD/tấn. 

    Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

 

Lượng tiêu xuất khẩu 2023 có thể tiếp tục vượt sản lượng 

Về dài hạn, thị trường xuất hiện thêm một số yếu tố hỗ trợ giá, đặc biệt là sản lượng tiêu toàn cầu có thể giảm sút do sự cạnh tranh với các loại cây khác và thời tiết bất lợi, đặc biệt là tại Việt Nam, quốc gia đứng đầu thế giới về ngành tiêu.

Tại Việt Nam, năm 2023 được dự báo tiếp tục ghi nhận cán cân xuất khẩu vượt sản lượng. Tính đến cuối tháng 4, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023 đã cơ bản kết thúc. VPSA ước tính sản lượng ước đạt khoảng gần 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm 2022. 

   Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Trong khi đó, lượng xuất khẩu cho cả năm được dự báo đạt 220.000 tấn, vượt so với sản lượng 20.000 tấn. Tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 10.000 tấn. 

Phần chênh này sẽ được bù đắp từ tồn kho của vụ trước (gần 72.000 tấn) và nhập khẩu (44.000 tấn). 

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 132.000 tấn tiêu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, lượng tiêu xuất khẩu trong 5 tháng đã đạt 60% so với dự kiến của cả năm 2023.

  Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Tình hình sản xuất trong vụ tới được dự báo sẽ chịu tác động từ biến đổi khí hậu. VPSA cho biết  thời tiết, nắng nóng trong thời gian vừa qua dự báo sẽ tác động tiêu cực đến vụ mùa Hồ tiêu năm tới, đặc biệt là vấn đề nước tưới. 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn Mỹ, hiện tượng El Nino có thể sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và nếu kéo dài cho đến năm 2024 sẽ càng làm cho việc duy trì vườn tiêu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vụ mùa 2024. 

Ngoài ra, cây tiêu tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, chanh leo, bơ. 

Điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam và cả những nước sản xuất lớn khác như Brazil, Indonesia.

Bà Liên cho biết Indonesia đang trong thời kì thoái trào cây tiêu. Theo báo cáo của Tổ Chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), nước này sản xuất 83.000 tấn trong năm 2021. Bước sang năm 2022 và 2023, con số sản lượng tiếp tục giảm xuống lần lượt 65.000 tấn và  55.000 tấn. 

Theo đánh giá từ đối tác và khách hàng, số liệu của IPC vẫn quá cao so với thực tế vì ở Indonesia hiện nay dân không mặn mà với cây tiêu trong bối cảnh bị cạnh tranh với cây cà phê do giá cà phê tốt hơn, đồng thời có sự chuyển dịch phổ biến hơn sang cây cọ. 

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).