Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 5% trong vòng 12 tháng qua
Ngày 10/6, theo dữ liệu công bố của Cục Thống kê Lao động (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ, tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 khi các nhà cung cấp vật lộn để theo kịp với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Dữ liệu lạm phát mới được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để hành động đối với lạm phát.
Các nhà kinh tế từ lâu đã kỳ vọng lạm phát sẽ tạm thời tăng "đột biến" khi nền kinh tế Mỹ tiến tới mở cửa hoàn toàn do tác động của đại dịch COVID-19. Chỉ số công nghiệp của Dow Jones dự báo mở cửa tăng 150 điểm sau khi dữ liệu BLS được công bố.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và những người nhà hoạch định tài khóa đã lập luận rằng sự kết hợp của dự luật cứu trợ COVID-19 tháng 3/2021 của Tổng thống Biden, kích thích tiền tệ từ Fed và chi tiêu tiềm năng trong tương lai có thể khiến Mỹ rơi vào vòng xoáy lạm phát.
Trong khi đó, BLS đã xác định phần lớn sự gia tăng các nút thắt trong chuỗi cung ứng và sự phản hồi nhanh chóng của nhu cầu tiêu dùng đối với một số hàng hóa và dịch vụ đã đẩy giá lên cao hơn nhiều.
Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng hơn 7% trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Năm, chiếm một phần ba tổng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.
Nhu cầu về ô tô đã qua sử dụng trong năm 2021 đã tăng cao khi các công ty cho thuê gấp rút thay thế các đội xe mà họ đã thanh lý vào năm 2020. Giá thực phẩm tăng 0,4%, chủ yếu nhờ giá thịt bò tăng 2,3%, trong khi giá xăng giảm bù lại giá điện và khí đốt tự nhiên tăng.
Chỉ số CPI trừ giá thực phẩm và năng lượng, vốn thường xuyên biến động hơn, đã tăng 3,4% hàng năm vào tháng Năm, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với mục tiêu lạm phát hàng năm của Fed khi được đo bằng một chỉ số tương tự.