|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu dự kiến tiếp tăng do nguồn cung gián đoạn

11:45 | 06/09/2021
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thu hoạch, chế biến khó khăn dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 7. Ngày 27/8, giá hạt tiêu đen trong nước tăng từ 2,8 – 4,8% so với ngày 30/7

Mức tăng thấp nhất là 2,8% tại tỉnh Đồng Nai; mức tăng cao nhất là 4,8% tại huyện Ea H'leo tỉnh Đắk Lắk và huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, lên mức 73.500 – 78.500 đồng/kg. 

Giá tiêu dự kiến tiếp tăng do nguồn cung gián đoạn - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu trong 8 tháng đầu năm 2021. (Số liệu: tintaynguyen. Biều đồ: H.Mĩ)

Giá hạt tiêu trắng ở mức 117.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thu hoạch, chế biến khó khăn dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn. 

Hàng hóa đưa ra cảng bị ách tắc, hợp đồng xuất khẩu không đi được vì giá cước quá cao. Trong khi đó, Brazil hiện đang đối mặt với sản lượng tiêu giảm nghiêm trọng. Sản lượng tiêu sản xuất ở Indonesia và Việt Nam cũng không mấy khả quan.

Theo Bộ NN&PTNT, thị trường hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong quý III/2021 do nhu cầu tăng sau khi Mỹ và các nước châu Âu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. 

Giá hạt tiêu dự kiến sẽ giữ ở mức cao do nguồn cung từ Brazil, Indonesia và Việt Nam giảm. Tại Indonesia, vụ thu hoạch hạt tiêu năm nay diễn ra vào tháng 7, tháng 8, nhưng sản lượng dự kiến sẽ giảm trên 20% so với vụ mùa năm 2020. 

Tại Brazil, sản lượng hạt tiêu được dự báo giảm mạnh trong năm 2021 do quốc gia này có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 91 năm qua trong thời gian từ tháng 6 – tháng 9. 

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Sri Lanca, Campuchia. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, điều đáng lo ngại là, do phí logistics tăng quá cao, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với hạt tiêu của Việt Nam, chi phí vận chuyển từ Brazil đến Mỹ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. 

Nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của thế giới đang tăng trong khi nguồn cung hồ tiêu giảm nên giá tiêu trong thời gian tới có khả năng giữ vững và tăng nhưng cũng chỉ tăng ở mức độ nhất định chứ không đột biến.

H.Mĩ