|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá thực phẩm tăng thúc đẩy triển vọng lạm phát của châu Á

16:06 | 21/09/2017
Chia sẻ
Tại Hàn Quốc, giá củ cải tăng 71% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi ở Ấn Độ, giá cà chua và hành tăng gấp đôi so với năm 2017. Còn giá mực của Nhật Bản tăng 17% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2016, và ở Trung Quốc giá trứng đã tăng ít nhất 62% kể từ tháng 4 tại chợ bán buôn hàng nông nghiệp lớn nhất quốc gia này, Xinfadi.

Với xuất khẩu trên khắp châu Á đạt kết quả tốt hơn dự báo và nhu cầu nội địa tại hầu hết các thị trường đều tăng mạnh, liệu đây có thể là sự khởi đầu của sự bùng nổ lạm phát?

gia thuc pham tang thuc day trien vong lam phat cua chau a
Ảnh: Buddhika Weerasinghe/Bloomberg

Tuy nhiên, câu trả lời nhanh là không.

Không giống như những gì đã xảy ra trong khu vực khi giá cả hàng hóa tăng khiến lạm phát đi lên, đợt gia tăng này được dự đoán sẽ chỉ là tạm thời và bị hạn chế. Nguyên nhân là vì nhân tố đẩy giá cả hàng hóa tăng cao, như thời tiết bất lợi hoặc nguồn cung hạn chế, đang dần mất đi.

gia thuc pham tang thuc day trien vong lam phat cua chau a
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Đài Loan sẽ gặp mặt trong tuần này.

Thực tế, cho tới hiện tại, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang đối phải đối mặt với rất ít áp lực tăng lãi suất, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách thắt chặt, một điều đối lập với chu kỳ trong quá khứ.

“Lạm phát lõi vẫn không có sự thay đổi hoặc nằm trong tầm kiểm soát ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Tôi không nhận thấy rủi ro thắt chặt chính sách sẽ diễn ra ở bất kỳ nước nào”, ông Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Oxford Economics tại Singapore, cho biết.

Mặc dù vậy, vẫn có những thiệt hại được ghi nhân. Tại Ấn Độ, nơi thực phẩm chiếm 46% lạm phát giá tiêu dùng, chỉ số thực phẩm tăng 1,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là lần tăng đầu tiên trong 4 tháng. Trong khi giá cà chua tăng cao vẫn chưa đủ để thúc đẩy lạm phát vượt qua mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, việc giá biến động có thể thu hẹp phạm vi để ngân hàng trung ương Ấn Độ giảm lãi suất một lần nữa.

Lạm phát của Hàn Quốc tăng lên 2,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2012 và trên mức mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2%. Một chỉ số phụ đối với thực phẩm tươi sống tăng 18,3% so với năm 2016, nhờ nhiệt độ cao và mưa lớn trong suốt mùa hè. Giá trứng tăng 53% trong tháng 8 so với năm 2016, chịu ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 khiến lượng lớn gia cầm bị tiêu hủy.

Tuy nhiên, các quan chức không dự báo việc tăng giá này sẽ duy trì. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phát biểu hồi tháng 8 rằng lạm phát cho cả năm 2017 sẽ vào khoảng 1,9% và bộ tài chính Hàn Quốc dự báo giá sẽ giảm vì nguồn cung rau xanh được cải thiện nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.

Tại Nhật Bản, lạm phát tăng 0,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là nhờ giá thực phẩm tăng 0,6% và chi phí năng lượng đắt hơn. Giống như Hàn Quốc, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng tới nguồn cung, trong khi biến động của đồng yen Nhật tác động tới thực phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 1,8% trong tháng 8 so với năm ngoái, với giá thực phẩm là nhân tố chính. Tuy nhiên, cũng giống với những quốc gia khác, ảnh hưởng của giá thực phẩm được dự đoán chỉ là tạm thời.

Mặt khác, tại Indonesia, giá thực phẩm giảm trong tháng 8 so với tháng trước đó vì nhu cầu đi xuống sau tháng ăn chay diễn ra từ tháng 6 và lễ hội Eid al-Fitr, thời điểm giá thực phẩm tăng cao do người Hồi giáo địa phương dự trữ lương thực cho các bữa tiệc vào buổi tối. Giá thịt heo, ớt cayenne và tỏi đã giảm trong tháng trước.

Giá thực phẩm tại Đài Loan cũng giảm, chủ yếu vì giá rau giảm mạnh, giúp cân bằng sự đi lên của giá dầu và hoa quả.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Natixis (Hong Kong), Alicia Garcia Herrero, đối với khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, trong khi áp lực giá thực phẩm có thể chỉ là tạm thời, lạm phát được dự báo chắc chắn sẽ tăng, nhờ nhu cầu hàng hóa lớn hơn.

“Chúng ta không nên bỏ qua sự phục hồi theo chu kỳ mà châu Á đang trải qua, dẫn đầu bởi nhu cầu toàn cầu hồi phục mạnh mẽ, cũng như điều kiện tài chính trong nước và quốc tế thuận lợi sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Điều không có gì phải nghi ngờ về điều này”, bà Alicia nhận định.

Lyly Cao

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.