|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép xây dựng tiếp tục tăng hơn 300.000 đồng/tấn

11:09 | 08/02/2023
Chia sẻ
Sau 4 đợt tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2023, giá thép xây dựng đang dao động ở mức 15,5 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy chủng loại và thương hiệu.

Ngày 7/2, một số doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng 300.000 – 410.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, lên khoảng 15,5 – 16,5 triệu đồng/tấn. Với một số doanh nghiệp, đây là đợt tăng giá thép thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 theo số liệu của Steel Online.

Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát tại miền Bắc nâng 310.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Giá hai sản phẩm này hiện lần lượt ở mức 15,76 triệu đồng/tấn và 15,84 triệu đồng/tấn.

 (Nguồn: Steelonline)

Tương tự khu vực miền Trung, thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 cũng nhích 310.000 đồng/tấn, giá lần lượt ở mức 15,68 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.

Riêng tại miền Nam, Hòa Phát cùng điều chỉnh tăng 410.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện, giá của hai sản phẩm này lần lượt là 15,83 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn.

Còn thương hiệu thép Việt Ý tăng 310.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và D10 CB300, lần lượt lên mức 15,71 triệu đồng/tấn và 15,81 triệu đồng/tấn.

Với doanh nghiệp thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 tăng 300.000 đồng/tấn, lên mức 15,5 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 nâng 310.000 đồng/tấn, hiện có giá 15,81 triệu đồng/tấn.

Cùng mức tăng 300.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 của thương hiệu Việt Nhật đang ở mức 15,88 triệu đồng/tấn.

Với thương hiệp Pomina, dòng thép cuộn CB240 nhích 300.000 đồng/tấn, lên mức 16,52 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 310.000 đồng/tấn, hiện có giá 16,58 triệu đồng/tấn.

 (Nguồn: Steelonline) 

Trong ngày 7/2, một số thương hiệu vẫn giữ nguyên mức giá so với đợt điều chỉnh gần nhất (31/1) bao gồm thép miền Nam, Gang thép Tuyên Quang, thép Vina Kyoei, thép Việt Mỹ…

Trong chương trình Khớp lệnh ngày 2/2, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt đã đánh giá về tiềm năng đầu tư của ngành thép trong năm 2023.

Cụ thể, ông Hoàng cho rằng diễn biến giá thép tăng mạnh nhưng tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép lại không còn nhiều, điều cần quan tâm là xu hướng lợi nhuận của các doanh nghiệp có đang tích cực lên hay không.

Với những doanh nghiệp thép không thể mở rộng thêm quy mô, ông Hoàng nhận định lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố là giá cổ phiếu, tỷ giá và lãi suất, quy mô thị trường (lượng tiêu thụ).

Trong đó, giá tăng đã giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép tăng dần trở lại. Yếu tố thứ hai là tỷ giá đã ổn định và ngày càng giảm. Yếu tố thứ ba ông Hoàng cho rằng cần quan tâm là lượng tiêu thụ của doanh nghiệp có thể quay trở lại hay không? Điều này phụ thuộc vào các thị trường như Trung Quốc, thị trường bất động sản Việt Nam, hoạt động đầu tư công...

"Tất nhiên khi tồn kho đã giảm xuống mà giá quay lên thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt một phần, nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận điều này vì không thể ôm hàng để đợi, khi đó còn rủi ro hơn vì hoạt động sản xuất bị dừng lại. Do đó điều cần quan tâm là liệu lợi nhuận đã tạo đáy hay chưa và có thể tăng trưởng hay không", ông Hoàng nhận định.

Hoàng Anh