|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thép đồng loạt tăng giá, mức cao nhất 710.000 đồng/tấn

15:36 | 30/01/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng giá thép xây dựng cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300. Trong đó, thương hiệu thép Việt Nhật có mức tăng cao nhất với 710.000 đồng/tấn.

Ngày 30/1, một số doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng 160.000 – 710.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, lên khoảng 14,9 – 16,3 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.

Trong đợt điều chỉnh này, thép Việt Nhật có mức tăng mạnh nhất với 710.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính. Hiện, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đều có giá gần 15,6 triệu đồng/tấn.

 (Nguồn: Steel Online)

Với thương hiệp thép Việt Mỹ, dòng thép cuộn CB240 tăng 510.000 đồng/tấn, lên mức 15,3 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 nâng 200.000 đồng/tấn, hiện có giá 15,07 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, thương hiệu thép Hòa Phát cũng tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cây và thép cuộn xây dựng. Sau khi điều chỉnh, giá các mặt hàng này được bán ở mức trên 15 triệu đồng/tấn. Thời gian áp dụng là từ ngày 30/1. 

(Nguồn: Steel Online) 

Tương tự, thép Việt Ý cũng tăng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và D10 CB300, lần lượt lên mức 15,1 triệu đồng/tấn và 15,2 triệu đồng/tấn. Cùng mức tăng 200.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 của thương hiệu Việt Đức đang ở mức 14,9 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Với thương hiệp Pomina, dòng thép cuộn CB240 nhích 160.000 đồng/tấn, lên mức 16,2 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 210.000 đồng/tấn, hiện có giá gần 16,3 triệu đồng/tấn.

Thép miền Nam cũng nâng 200.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và tăng 310.000 đồng/tấn với thanh vằn D10 CB300. Hiện hai dòng thép này lần lượt là 15,7 triệu đồng/tấn và 15,9 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định đầu năm 2023, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi theo xu hướng chung của thế giới nhờ yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/1/2023 giao dịch ở mức 116,95-117,45 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 6,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 12/2022.

Giá thép phế những ngày đầu tháng 1/2023 có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 06/1/2023 ở mức khoảng 402-405 USD/tấn.

Tương tự, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/1/2023 giao dịch ở mức khoảng 282,5 USD/tấn FOB, tăng mạnh 52,25 USD/tấn so với đầu tháng 12/2022. Mức giá than cốc cao nhất ghi nhận vào hồi cuối quý I/2022 và đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022.

Thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng dao động trong dài hạn, trong khi các mối lo ngại về lạm phát và chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023.

“Thị trường đang ấm dần lên, đặc biệt là giá phế và giá phôi tăng sớm một nhịp trước khi giá thép thành phẩm tăng. Các nhà máy xem xét điều chỉnh một phần giá bán thép, đặc biệt là thép cây với mác CB4, CB5...đặc biệt trước quyết định nới lỏng chính sách Zero-COVID của Trung Quốc”, VSA nhận định.

Ngoài động lực về giá nguyên liệu như VSA phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường thép xây dựng trong năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý IV/2022.

Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi đạt 507.400 tỷ đồng, chiếm 47% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương. Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Formosa, Thép Pomina… có thể hưởng lợi.

Hoàng Anh