Giá thép xây dựng tiếp đà lao dốc, doanh nghiệp phải bảo lãnh giá
Ngày 21/6, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đồng loạt hạ giá các sản phẩm thép xây dựng, giảm170.000 - 540.000 đồng/tấn xuống 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 11-12 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp, tùy từng thương hiệu và chủng loại do nhu cầu yếu ở cả mảng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, theo số liệu của Steelonline.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 250.000 đồng/tấn xuống ở mức 14,04 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210.000 đồng/tấn, hiện có giá 14,48 triệu đồng/kg.
Tại miền Trung, Thép Hòa Phát giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép thanh, giá lần lượt còn 13,84 triệu đồng/tấn và 14,34 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Thép Hòa Phát giảm 170.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, giá xuống 14,14 triệu đồng/tấn; đồng thời giảm 200.000 đồng/tấn với thép thanh, hiện có giá 14,44 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Ý cũng hạ 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 13,74 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150.000 đồng/tấn còn 14,24 triệu đồng/tấn.
Tương tự với công ty thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 ở mức 13,84 triệu đồng/tấn sau khi được hạ giá 200.000 đồng. Còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 220.000 đồng/tấn xuống còn 14,34 triệu đồng/tấn.
Sản phẩm thép cuộn CB240 của thép Tung Ho tại miền Nam cũng được điều chỉnh giảm 220.000 đồng/tấn với cả dòng thép CB240 và D10 CB300, lần lượt về mức 14,15 triệu đồng/tấn và 14,3 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Mỹ tại khu vực miền Trung cũng ghi nhận mức giảm sâu, thép cuộn CB240 giảm 350.000 đồng/tấn, còn 14,06 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 540.000 đồng/tấn, hiện có giá 14,11 triệu đồng/tấn.
Một số thương hiệu như Thép Mỹ, Vina Kyoei, Pomina, thép Thái Nguyên, thép miền Nam… chưa có động thái điều chỉnh giá thép xây dựng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 14,1 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép đạt 12,9 triệu tấn, giảm 19%, trong đó xuất khẩu thép đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá thép xây dựng trong nước đã có hàng chục đợt giảm liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ yếu.
"Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện bảo lãnh giá cho hàng và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới", VSA nhận định.
VSA dự báo doanh thu toàn ngành thép nửa đầu năm 2023 có thể giảm 70 - 80% so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.
Trước những diến biến xấu của thị trường, VSA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất, theo báo Kinh tế Đô thị.
VSA kiến nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước...