Giá thép xây dựng hôm nay 14/1: Duy trì khởi sắc
Ảnh minh họa. |
Giá thép xây dựng hôm nay
Hiện, giá thép thanh giao tháng 5 tăng 45 nhân dân tệ/tấn lên 3.563 nhân dân tệ/kg.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/1), giá hợp đồng than cốc giao sau tăng 2,2% lên 1.982 nhân dân tệ/tấn (tương đương 292,94 USD/tấn), còn giá than luyện cốc giao sau tăng 3,5% lên 1.233 nhân dân tệ/tấn (tương đương 182,24 USD/tấn).Trên sàn giao dịch Đại Liên, hợp đồng quặng sắt giao sau tăng 0,2% lên 509 nhân dân tệ/tấn (tương đương 75,23 USD/tấn).
Tại Ấn Độ, Bộ thép của quốc gia này đang gây áp lực lên các nhà sản xuất xe hơi để họ sử dụng thép sản xuất trong nước bằng cách từ chối nới lỏng những quy định nhập khẩu khó khăn, bất chấp lời cảnh báo những quy định mới có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất xe hơi, nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ và trong ngành cho biết.
Hồi tháng 8/2018, Bộ Thép Ấn Độ công bố các quy định nhập khẩu nghiêm ngặt cho một số sản phẩm thép chất lượng cao được lấy nguồn từ những nhà sản xuất xe hơi ở những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chưa sản xuất ở Ấn Độ.
Ngành xe hơi Ấn độ - gồm những công ty như Maruti Suzuki, Hyundai Motor Co, Honda Motor Co và Ford Motor Co – đang bắt đầu cân nhắc tạm ngừng sản xuất nếu các quy định mới về nhập khẩu thép không được nới lỏng, Bộ trưởng liên bang lên tiếng cảnh báo trong một lá thư.
“Việc vận chuyển hàng hóa của ngành linh kiện xe hơi đã bắt đầu bị tác động, qua đó gây rủi ro về việc tạm ngừng sản xuất của cả ngành xe hơi trong thời gian gần”, ông Anant Geete, Bộ trưởng các ngành công nghiệp nặng, cho biết trong lá thư công bố ngày 4/1/2019 tới Bộ trường thép, Chaudhary Birender Singh.
“Ngoài ra, cũng có rủi ro là nếu việc nhập khẩu thép (nguyên vật liệu thô) bị hạn chế thì ngành thép có thể nhập khẩu những linh kiện, qua đó ảnh hưởng tới sáng kiến ‘Sản xuất ở Ấn Độ’ của Chính phủ”, Geete nhận định.
Các quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 17/2/2019.
Lá thư trên và các cuộc bàn luận nội bộ của Bộ thép không được ghi nhận trước đó. Bộ thép kêu gọi những nhà sản xuất thép lớn nhất quốc gia như JSW Steel và Tata Steel, Steel Authority of India họp mặt với các nhà saản xuất xe hơi gồm Maruti, Hyundai, Honda và Ford.
Trong cuộc họp được tổ chức 2 ngày sau khi ông Geete gửi lá thư cảnh báo tới Chaudhury, các quan chức tiếp tục thúc giục các nhà sản xuất xe hơi làm việc các công ty thép để sản xuất thép sản xuất xe hơi chất lượng cao ở trong nước và thậm chí thành lập liên doanh nếu cần thiết, dựa trên nguồn tin thân cận.
“Chúng tôi đã nói với các công ty xe hơi rằng chúng ta cần phải tăng cường sản xuất trong nước và họ cần phải ngồi lại với các công ty thép địa phương để cho họ biết về những yếu tố kỹ thuật vì các công ty của chúng tôi được trang bị khá tốt”, một quan chức chính phủ cấp cao cho biết.
Nhập khẩu tăng mạnh
Lời kêu gọi của Bộ Thép là nỗ lực mới nhất từ chính quyền ông Modi – vốn đang tuyệt vọng kiểm soát nhập khẩu và thể hiện thành công của chương trình sản xuất công nghiệp của mình – nhắm vào việc xây dựng cơ sở công nghiệp nội địa, đồng thời tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Ấn Độ vẫn là quốc gia nhập khẩu ròng thép trong giai đoạn tháng 4 - 11/2018 sau khi kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 30%.
Tuy nhiên, ngành xe hơi sẽ đối mặt với gián đoạn nếu việc nhập khẩu một số sản phẩm thép then chốt rơi vào thế bế tắc, ông Vinnie Mehta, Tổng giám đốc tại Hiệp hội Sản xuất Linh kiện Xe hơi Ấn Độ, trao đổi với Reuters.
Bộ Thép đã miễn 2 tháng áp dụng quy định mới về nhập khẩu cho các nhà sản xuất xe hơi. Ban đầu, luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 18/12/2018. Các công ty xe hơi muốn gia hạn việc miễn áp dụng luật tới cuối năm 2019.
Các nhà sản xuất xe hơi tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu vì họ cho biết sản xuất thép trong nước không thể cung cấp chất lượng, sự nhất quán và giá thép như họ cần, dựa trên nguồn tin thân cận.
Một nhà sản xuất xe hơi châu Á đã quyết định nhập khẩu toàn bộ hệ thống xả nhiên liệu, Sugato Sen, Phó Tổng giám đốc tại Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ, cho hay.