Giá phân bón tăng: Hạn chế tối đa xuất khẩu, ưu tiên thị trường trong nước
Giá phân bón chiếm tới 40% chi phí sản xuất nông nghiệp của người dân. Thời gian qua, giá phân bón trên thế giới và trong nước tăng mạnh khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp khó.
Điều này đòi hỏi các bộ, ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp cung ứng phân bón có những đánh giá tổng thể, bám sát diễn biến thị trường để có sự điều tiết giá cả hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích từ nhiều phía.
Người dân “thấp thỏm”
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kể từ sau Tết Nguyên đán 2021, giá nhiều loại phân bón như DAP, urê, NPK… tiếp tục tăng thêm từ 30.000 đến 130.000 đồng/bao, loại 50kg và hiện đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Hiện phân DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng khoảng từ 240.000 đến 250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020.
Còn giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) đang ở mức từ 500.000 đến 510.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao so với cuối năm trước.
Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000 đến 500.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn thêm vài chục nghìn đồng/bao khi nông dân mua thiếu nợ tiền đến cuối vụ lúa mới thanh toán.
Trong khi đó, giá phân bón NPK 20-20-15 Hiệp Thanh có giá 600.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay ở mức 650.000 đến 660.000 đồng/bao. Riêng phân bón Kali do Israel, Canada và Nga sản xuất ổn định ở mức giá khoảng từ 400.000 đến 440.000 đồng/bao, tùy loại, tăng vào chục nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020.
Ông Trần Văn Mý, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết, hợp tác xã đang trồng 50 ha nhãn, chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất.
Với giá phân bón tăng như hiện nay sẽ làm tăng chi phí sản xuất thêm 5%. Hiện vườn nhãn đang vào mùa hoa, khoảng 1 tháng nữa cần lượng phân bón lớn để chăm sóc quả. Nếu giá phân bón không giảm, đồng nghĩa chi phí sản xuất sẽ tăng. Trường hợp rớt giá hợp tác xã sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Ông Mý đề nghị: “Nhà nước có cơ chế để bình ổn giá phân bón, đồng thời các ngành liên quan có hỗ trợ đầu ra và các chương trình tập huấn kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất”.
Ông Vũ Xuân Điền, chủ trang trại cà phê tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá phân bón thời gian qua tăng mạnh trung bình từ 30.000 đồng/bao (50 kg), thấp nhất như NPK cũng tăng 15.000 đồng/bao.
Với mức sử dụng khoảng 15-20 tấn phân bón cho một vụ thì gia đình ông tăng thêm chi phí cho mua phân bón khá lớn trong khi giá cà phê lại không tăng, thậm chí giảm. Với tình hình này nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên rất khó khăn.
Theo các đại lý bán vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng. Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như: khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân urê, DAP, Kali trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.
Đảm bảo cung ứng cho sản xuất
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 - 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khoảng 1 triệu tấn là DAP. Về cơ bản, Việt Nam đã tự chủ được mặt hàng phân bón từ nhiều năm qua, thậm chí năm 2020 còn xuất khẩu trên 1 triệu tấn phân bón các loại.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, hiện tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam lên tới 34 triệu tấn/năm nên sản xuất phân bón trong nước mới đạt sản lượng khoảng 1/3. Do đó, không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, ngay khi giá mặt hàng DAP tăng mạnh, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với các nhà máy sản xuất DAP trong nước đề nghị các đơn vị hạn chế tối đa xuất khẩu để ưu tiên tối đa thị trường trong nước để cân bằng ổn định.
“Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần sử hiệu phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn, bởi thực tế hiệu suất sử dụng phân bón của Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt 50 - 60% dẫn tới lãng phí và ô nhiễm môi trường”, ông Trung nói.
Trao đổi với báo chí, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều cho rằng, nguồn cung phân bón là không thiếu, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phục vụ cho thị trường trong nước.
Đại diện Công ty CP DAP Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho hay, không có tình trạng khan hiếm phân bón. Giá tăng mạnh ở thị trường trong nước có thể do yếu tố đầu cơ, đẩy giá lên của các nhà phân phối tại thị trường nội địa.
Về năng lực sản xuất DAP trong nước, hiện tại tổng công suất thiết kế của các nhà máy trong nước là 810.000 tấn/năm (DAP Đình Vũ: 330.000 tấn/năm, DAP Lào Cai: 330.000 tấn/năm và DAP Đức Giang: 150.000 tấn/năm).
Kế hoạch các tháng 3 và 4 này, DAP Đình Vũ khẳng định vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 – 26.000 tấn. Cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 – 50.000 tấn/tháng.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, vụ lúa Hè Thu sắp đến, công ty đang chuẩn bị lượng phân bón đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Người dân không quá lo lắng, mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, đang phối hợp các bộ, ngành theo dõi sát tình hình biến động giá cả phân bón, các nguyên liệu đầu vào và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua đánh giá, Bộ Công Thương nhận thấy, biến động giá DAP thời gian gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển… chứ không phải do nhu cầu trong nước đối với DAP tăng mạnh so với trước.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật...
Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao như hiện nay, đại diện Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã có nhiều quy trình sản xuất đối với các loại cây trồng để khuyến cáo nông dân giảm sử dụng phân bón, thậm chí cả thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chẳng hạn như cây lúa, hiện nay đang có các giải pháp về quy trình canh tác để giảm sử dụng phân bón như: IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"... để hướng dẫn người dân áp dụng trong sản xuất.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang yêu cầu các viện nghiên cứu tiếp tục có các gói kỹ thuật canh tác chuyên sâu hơn không chỉ đối với từng loại cây trồng mà cùng một loại cây trồng nhưng cụ thể hơn với từng vùng sinh thái để khuyến cáo người dân giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, hiện nhiều địa phương cũng xây dựng nhiều mô hình canh tác "thông minh" để thay đi tư duy sản xuất cũ, hình thành thói quen sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo đủ đáp ứng cho đồng ruộng, bảo vệ môi trường, nguồn nước...