|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không lo thiếu hụt nguồn cung phân bón

21:57 | 05/03/2021
Chia sẻ
Các đơn vị đều đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung các loại phân bón trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Giá nhiều loại phân bón tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, dẫn đến những lo ngại xung quanh việc đầu cơ, gây thiếu nguồn hàng cho vụ lúa sắp tới. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất cho rằng, không lo khan hiếm nguồn cung phân bón, bởi các đơn vị đã có kế hoạch sản xuất cung ứng ra thị trường, đáp ứng đủ cho người nông dân.

Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các loại phân bón DAP, NPK, Urê đã tăng khoảng từ 40.000-100.000 đồng/bao (50kg) so với cách đây khoảng 1 tháng.

Giá phân bón DAP Hàn Quốc hiện ở mức khoảng 700.000 đồng/bao (trước đó chỉ khoảng hơn 600.000 đồng/bao). Cách đây hơn 1 tháng, giá các loại phân bón urê sản xuất trong nước như urê Phú Mỹ, urê Cà Mau, urê Ninh Bình... và nhiều loại urê nhập khẩu giá chỉ ở mức 340.000-360.000 đồng/bao, cũng tăng lên ở mức từ 420.000-450.000 đồng/bao.

Còn các loại phân bón NPK như:  NPK Cò Pháp (20-20-15) có mức giá khoảng 680.000-700.000 đồng/bao, NPK Đầu Trâu (20-20-15) và NPK Đầu Trâu TE (20-20-15) có mức giá khoảng 630.000-640.000 đồng/bao. NPK Việt Nhật (16-16-8) có giá 490.000- 500.000 đồng/bao… Phân bón Kali ngoại nhập của Nga, Israel, Canada… có mức giá khoảng 400.000-440.000 đồng/bao.

Theo Hiệp hội Phân bón, nguyên nhân giá phân bón tăng là do ảnh hưởng bởi giá phân bón nhập khẩu tăng và nhiều loại nguyên liệu, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước đã tăng.

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho việc nhập khẩu mặt hàng phân bón đang có phần gặp khó khăn hơn so với trước.

Tháng 2/2021 vừa qua, giá phân bón các loại đều tăng mạnh, khoảng 5 – 15%; trong đó, tăng mạnh nhất là giá Urê, ở mức 14,6%.

Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp, các đơn vị đều đang đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung các loại phân bón trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Do vậy, giá các loại phân bón thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng cao.

Đại diện Công ty CP DAP Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho hay, không có tình trạng khan hiếm phân bón. Giá tăng mạnh ở thị trường trong nước có thể do yếu tố đầu cơ, đẩy giá lên của các nhà phân phối tại thị trường nội địa.

Về năng lực sản xuất DAP trong nước, hiện tại tổng công suất thiết kế của các nhà máy trong nước là 810.000 tấn/năm (DAP Đình Vũ –330.000 tấn/năm, DAP Lào Cai – 330.000 tấn/năm và DAP Đức Giang 150.000 tấn/năm). Năm 2020, sản lượng sản xuất của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai là 396.000 tấn, do khó khăn về tiêu thụ nên 2 đơn vị này đã phải tìm thị trường xuất khẩu.

Sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 46.190 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng.

Kế hoạch các tháng 3 và 4 này, DAP Đình Vũ khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 – 26.000 tấn. Cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 – 50.000 tấn/tháng.

Ngoài nguồn hàng sản xuất trong nước, nguồn cung DAP còn đến từ nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 800.000 – 1 triệu tấn phân bón DAP; trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc là chủ yếu.

Theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, nên việc vận chuyển gặp khó, cước vận chuyển tăng, nên có thể tại một số nơi có sự gián đoạn cung ứng. Trên thực tế, nhu cầu phân bón DAP của người dân không tăng mạnh.

Từ cuối năm 2020 đến nay, do diễn biến giá các nguyên liệu đầu vào chính của để sản xuất DAP (lưu huỳnh và amoniac) đã tăng đột biến.

Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021), giá lưu huỳnh về đến công ty đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn), tương đương với mức tăng 113 USD/tấn. Giá Amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn.

Điều này đã khiến cho giá thành DAP sản xuất của công ty tăng 1,509 triệu đồng/tấn. Mặc dù giá thành sản xuất tăng nhưng đến tháng 2/2021, DAP Đình Vũ mới chỉ điều chỉnh đơn giá bán tăng thêm 0,9 triệu đồng/tấn (chịu thiệt 0,6 triệu đồng/tấn) để góp phần bình ổn giá trong nước.

Cũng theo thông tin từ Công ty cổ phần Vật tư nông sản Apromaco, đơn vị này đã tập trung chỉ đạo và điều hành việc chuẩn bị nguồn hàng, kể cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho hệ thống các đại lý, khách hàng.

Hiện Apromaco là đại lý phân phối nhiều sản phẩm phân bón như Kali, Ure, DAP, NPK... Về sản xuất, Apromaco có nhà máy sản xuất supe lân và NPK tại Lào Cai với công suất 200.000 tấn supe Lân và 200.00 tấn NPK/năm. Các đơn vị hoạt động 3 ca liên tục hết công suất để cung ứng hàng.

Theo các chuyên gia ngành phân bón hóa chất, vụ Đông Xuân đã qua nên nhu cầu sử dụng phân bón không căng thẳng, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ Hè Thu sắp tới. Do vậy, rất có thể xảy ra tình trạng ôm hàng, đầu cơ tích trữ phân bón.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, vụ lúa Hè Thu phải hơn một tháng nữa mới đến và công ty đang chuẩn bị đầy đủ lượng phân bón đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước. Nguồn cung cho vụ tới đầy đủ nên người dân không việc gì phải mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn.../.

Đức Dũng