|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng cho vụ mùa cuối năm

21:59 | 12/11/2021
Chia sẻ
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân Bến Tre lo lắng cho vụ mùa cuối năm, bởi chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp càng tăng, còn lợi nhuận càng giảm.

Đang vào thời điểm rước đồng cho 7 công lúa (1 công = 1.000m2) ông Trần Văn Tư ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri lo lắng vì giá phân bón tăng cao gấn đôi so với vụ lúa năm trước.  

Ông Tư cho hay, hiện nay giá phân bón hỗn hợp NPK loại 3 màu có giá hơn 900 nghìn/bao (50kg), loại 1 màu (nhập khẩu) cao cấp có giá từ 1,05-1,2 triệu đồng/bao.

Riêng các loại phân đơn như: phân đạm, lân, Kali tăng từ 9.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg, phân hỗn hợp D.A.P từ 12.000 đồng/kg tăng 25.000 đồng/kg…Bên cạnh đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 15-20% giá so với trước.

Ông Tư chia sẻ, với giá thành hiện tại buộc ông phải giảm lượng phân bón cho cây, vì nếu bón đủ như trước, chi phí đầu tư tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm. 

Đó là chưa kể các loại dịch vụ khác như: chi phí làm đất, chi phí bơm nước (giá xăng, dầu tăng), chi phí thu hoạch… đều tăng giá. Trong khi đó, giá lúa bán ra hiện nay còn thấp và nông dân sẽ không có lời.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân lo lắng cho vụ mùa cuối năm - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng, nông dân trồng lúa lo lắng không có lời. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho hay, đang vào thời điểm cuối mùa mưa. 

Do đó, 8 công đất trồng dừa của gia đình cần phải bón phân để đủ dinh dưỡng cho cây chống chọi với đợt hạn mặn sắp tới. Nhưng hiện nay, giá phân bón tăng cao, bà Hoa lo ngại không đủ chi phí để mua phân bón.

Bà Hoa chia sẻ, mỗi năm vườn dừa của gia đình bón phân từ 2-3 lần, mỗi lần chi phí mua phân từ 4-5 triệu đồng, nhưng hiện nay giá phân tăng chi phí mua phân bón tăng lên từ 9-10 triệu đồng. 

Ngoài ra, còn phải thêm chi phí để gia cố đê bao, trữ nước ngọt tưới cho cây trong đợt mặn sắp tới. Hiện tại, bà Hoa đang tìm đến các loại phân bón hữu cơ, mua phân bò về ủ để bón cho cây góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho vườn cây.

Theo anh Nguyễn Văn Hoà, chủ cửa hàng bán phân bón tại huyện Giồng Trôm, giá phân tăng cao do nhu cầu mua phân bón cho cây tăng mạnh. 

Ngoài ra, nguồn cung phân bón trong nước còn hạn chế, chủ yếu nguồn nguyên liệu đươc nhập khẩu từ nước ngoài. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng làm cho giá phân bón tăng lên. Hiện giá phân bón đã tăng gấp hai lần so với trước đây.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, giá phân tăng cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nông dân nhất là bà con trồng lúa. 

Tuy nhiên, diện tích lúa Bến Tre không nhiều, chủ yếu trồng cây dừa và cây ăn trái. Do đó, ngành chức năng của tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo người dân sử dụng nguồn phân bón hữu cơ sẵn có tại địa phương để bón cho cây trồng, nhằm giảm lượng phân bón hoá học góp phần giảm chi phí trong sản xuất.

Theo ông Đức, Bến Tre có tổng đàn bò hơn 200 nghìn con, đàn dê hơn 170 nghìn con, đây là điều kiện rất tốt để người dân sử dụng nguồn phân bò, dê để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. 

Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân biết được cách ủ phân hiệu quả. Bên cạnh đó, từng bước hướng dân người dân sử dụng hoàn toàn nguồn phân hữu cơ bón cho cây.

Ngoài ra, kêu gọi người dân sử dụng phân hữu cơ cho cây dừa, cây ăn quả giúp cây có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt hơn. 

Hơn nữa nhiều vườn dừa trồng theo hướng hữu cơ đã được ký kết hợp tác với các công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 5-10 nghìn đồng/chục(12 trái). 

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng, góp phần làm giảm giá thành sản xuất so với sử dụng phân hoá học.

Huỳnh Phúc Hậu