Giá phân bón nhập khẩu tăng 6 tháng liên tiếp
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 139.000 tấn phân bón, tương đương 57 triệu USD, giảm 52% về lượng và giảm 63% về giá trị so với tháng 12/2022, đồng thời giảm 57% về lượng và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 1 ở mức 476 USD/tấn, tăng 81% so với tháng 1/2022. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp, giá phân bón nhập khẩu đi lên.
Trong tháng 1/2023, Trung Quốc là nguồn cung phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu 70.265 tấn phân bón từ Trung Quốc, tương đương 25 triệu USD, giảm 49% về lượng, giảm 55% kim ngạch so với tháng 1/2022.
Sau Trung Quốc, Lào là nguồn cung phân bón lớn thứ hai cho Việt Nam với khối lượng 10.614 tấn, tương đương gần 5 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 12% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, nhập khẩu phân bón từ Nhật Bản trong tháng 1 cũng sụt giảm 58% về lượng và giảm 80% về giá trị so với cùng kỳ, xuống còn 10.326 tấn và 874.000 USD.
Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) đưa ra 3 kịch bản về thị trường phân bón, gồm: Kịch bản lạc quan, kịch bản bi quan và kịch bản trung bình.
Kịch bản bi quan nhất, theo IFA, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020.
Kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Với kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề mà thị trường phân đạm toàn cầu nói riêng và phân bón nói chung phải đối mặt vào năm 2022 sẽ tiếp tục xảy ra vào năm 2023, có rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.