Giá ô tô thế giới sắp tăng mạnh?
Theo Bloomberg, người tiêu dùng và nhà sản xuất nên chuẩn bị tinh thần cho việc ô tô sắp trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Giá của mọi nguyên liệu đầu vào cho xe cộ đều đang đi lên. Nguyên liệu thô – từ thép được dùng trong thân xe, khung xe cho đến các bộ phận bánh răng – chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất. Chi phí này sẽ tiếp tục lên cao.
Cộng thêm chi phí lao động, logistics, áp lực đầu tư cho công nghệ mới và lạm phát gia tăng, các nhà sản xuất ô tô đang chứng kiến bối cảnh hoàn toàn khác với thị trường kiếm lời dễ dàng vài tháng qua.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được hưởng lợi từ việc cắt giảm sản xuất. Bất chấp những phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nhiều linh kiện, bao gồm chip, các nhà sản xuất ô tô đang khiến cho cổ đông hài lòng. Họ thông minh và nhanh nhẹn khác thường trong việc tận dụng sự mất cân bằng kinh tế.
Dù phải đóng cửa nhà máy, các nhà sản xuất xe trên toàn thế giới đã công bố kết quả kinh doanh vượt trội trong quý I/2021. Lợi nhuận của Huyndai ba tháng đầu năm 2021 tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Volvo tăng 66%. Lợi nhuận bộ phận xe ô tô của Daimler tăng 15,2% trong quý I. Các hãng xe đã sản xuất ít xe hơn so với nhu cầu của khách hàng và mở rộng biên lợi nhuận, Bloomberg cho biết.
Nhưng khi các công ty bắt đầu liên tục nói về việc giảm sản lượng thì đó là dấu hiệu đáng lo. Trong diễn biến mới nhất, các đại gia ô tô, bao gồm những tay chơi lớn nhất thế giới như Toyota và Ford thông báo sẽ sản xuất ít xe hơn trong năm nay vì khủng hoảng chip. Chỉ riêng việc thiếu hụt chip sẽ khiến sản lượng ô tô giảm 4 triệu chiếc, tương đương 5% doanh số ước tính của năm 2021.
Thế kẹt
Đối với nhà sản xuất xe, chi phí tăng và sản lượng giảm có thể biến thành rắc rối trong nháy mắt. Đó là vì ngành ô tô có chi phí cố định cao. Công ty cần đạt được sản lượng nhất định để hòa vốn. Khi sản lượng bắt đầu giảm nhanh chóng thì áp lực chi phí thậm chí còn tăng nhanh hơn và ảnh hưởng không tương xứng đến lợi nhuận.
Ví dụ, thử nhìn vào một công ty sản xuất ô tô có doanh thu 100 tỷ USD. Doanh số giảm 10% sẽ khiến thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) giảm 40%, theo ước tính của hãng tư vấn Boston Consulting Group. Đây còn là kịch bản lạc quan, giả định rằng công ty có thể loại bỏ tất cả các chi phí biến đổi như nguyên liệu và nhân công. Trong tình hình hiện tại, điều đó là không thể.
Hiển nhiên rằng các hãng xe có thể chịu đựng chi phí tăng trong thời gian ngắn với việc giảm bớt các ưu đãi và khuyến mại từ trước đến nay. Nhưng điều này đã xảy ra tại những thị trường ô tô lớn nhất thế giới như Mỹ và Trung Quốc, và các công ty không thể giảm ưu đãi mãi mãi.
Các công ty không có nhiều lựa chọn để bù đắp chi phí sản xuất leo thang. Do giá bán vốn đã cao, người tiêu dùng sẽ không tiếp tục bỏ thêm tiền. Cho tới nay, người mua xe Mỹ đang chấp nhận trả cao hơn 12% giá bán lẻ khuyến nghị của nhà sản xuất, tương đương 5.000 USD cho mỗi chiếc xe, theo Kelley Blue Book and Cox Automotive.
Nhưng chỉ số khả năng chi trả cho xe cộ của Mỹ đã bắt đầu giảm xuống, báo hiệu người tiêu dùng đang bắt đầu suy nghĩ kỹ trước khi vung tiền. Gần 40% những người định mua ô tô hiện đã hoãn kế hoạch.
Nếu doanh số bán hàng bắt đầu chậm lại khi giá bán tiếp tục tăng, các nhà sản xuất ô tô có nguy cơ không thể tạo ra lợi nhuận như vài tháng qua. Tuy nhiên, nếu không tăng giá và sản lượng tiếp tục giảm, kết cục của họ cũng không khá hơn gì.
Người tiêu dùng có thể buộc phải lựa chọn giữa một chiếc xe đắt tiền hoặc không có gì cả. Ngay cả giá xe cũ cũng đang tăng mạnh vì nguồn cung thiếu hụt.
Ngành ô tô sẽ cần phải đánh giá lại bản thân. Các giải pháp tạm thời sẽ không đủ, đặc biệt là khi con đường phía trước có vẻ chông gai.