Giá nhiều mặt hàng tăng nhanh hơn giá xăng dầu, chuyên gia lo ngại về lạm phát tâm lý
Sau 7 lần liên tục leo thang qua các kỳ điều hành từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử vào ngày 11/3, xăng RON-95 tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Trong kỳ điều hành ngày 21/3 vừa qua, cùng với đà giảm của giá dầu thô trên thế giới, giá xăng trong nước giảm hơn 600 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng, giá gas cũng tăng cao khiến cho tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng "tăng nhiệt" khiến cho người dân phải "thắt lưng buộc bụng", loại bỏ những khoản chi tiêu không phải thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng giá của hàng hóa ở thời điểm hiện tại còn nhanh hơn tốc độ tăng của giá xăng, dầu.
Chia sẻ với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính chỉ rõ xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động lan tỏa làm đẩy giá một số mặt hàng khác trong đời sống tăng theo. Song, tốc độ tăng giá các loại hàng hóa hiện tại đang quá nhanh và bất hợp lý, nhiều loại hàng hóa bị định giá lại, tạo nên mặt bằng giá mới.
"Giá của nguyên vật liệu đầu vào, kể cả xăng dầu, đều tăng không đáng kể nhưng giá hàng hóa lại tăng lên một cách khủng khiếp và đây là điều đáng lo ngại, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. Giá cả có thể tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng giá bán phải tăng một cách phù hợp", chuyên gia lưu ý.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra thực tế khi xăng dầu tăng giá thì giá thịt heo, thịt bò, cá,... tăng lên tới 30-40%, các mặt hàng rau củ quả lại tăng tới 100% và điều này là không hợp lý.
Ông Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá xăng dầu tăng 10% thì ngành sử dụng nhiều xăng dầu nhất là dịch vụ vận tải, bởi 35% giá thành dịch vụ vận tải là do chi phí xăng dầu. Nếu xăng dầu tăng 10% thì chi phí chỉ tăng 3-4%.
"Còn đối với những mặt hàng thực phẩm như thịt cá, rau củ sẽ không thể tác động quá lớn từ giá xăng dầu hay thậm chí là đà tăng của các nguyên liệu sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tất cả những yếu tố này không thể đẩy giá thực phẩm tăng lên 30-40% hay thậm chí gấp đôi như thời điểm hiện tại", Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính phân tích và cho rằng đây chính là cách tăng giá "té nước theo mưa".
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng phần nào tới giá cả các mặt hàng, nhưng phân tích kỹ có thể thấy tác động không quá lớn như thực tế đang diễn ra. Tốc độ tăng của giá xăng không cao và nhanh như tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa.
“Sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Chuyên gia cũng lưu ý việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế.
Do đó, ông Nguyễn Minh Phong lưu ý cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường.
Từ những điều trên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh bày tỏ tầm quan trọng của sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải lưu tâm hơn tới việc quản lý giá cả hàng hóa thiết yếu trong thực tế, không để tăng quá mức để mức tăng giá cả hàng hóa phù hợp với mức tăng giá cả đầu vào.
"Tất cả hàng hóa trong nền kinh tế đều tăng lên đang làm cho chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở nên đắt hơn và đương nhiên khi giá cả tăng thì người lao động cũng sẽ đòi tăng lương. Rõ ràng, lương của người lao động cũng phải tăng lên", ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Các chi phí sản xuất tăng thì giá thành sản phẩm phải tăng và đầu ra cũng tăng. Từ đó, chuyên gia quan ngại nếu điều này lặp đi lặp lại sẽ khiến cho kỳ vọng lạm phát lớn lên "một cách kinh khủng".
"Điều này sẽ bào mòn tất cả các doanh thu, thu nhập của người dân, doanh nghiệp,... khiến cho tăng trưởng sản xuất chậm lại, người dân giảm sức mua, sức bán. Chỉ số giá tăng lên thì mức độ tiêu dùng của người dân giảm đi, rõ ràng khiến tăng trưởng kinh tế chậm đi", vị chuyên gia nêu ý kiến.