|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá mua điện mặt trời mới có thể giảm tới 25%

17:41 | 19/09/2019
Chia sẻ
Theo dự thảo quyết định về giá điện mặt trời mới sau ngày 30/6, giá mua điện đối với dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 UScent/kWh. So với giá trước thời điểm 30/6 thì mức dự kiến này giảm gần 25%.

Chiều ngày 19/9, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Nếu được thông qua, dự thảo này sẽ thay thế cho quyết định 11/2017 hết hiệu lực từ tháng 6.

Theo đó, mức thu mua điện mặt trời mới (giá FIT 2) đối với dự án điện mặt trời nổi là 7,68 UScent/kWh, giảm gần 18% so với mức giá FIT 1 (giá áp dụng cho các dự án được hoàn thành trước ngày 30/6). Đối với dự án điện mặt trời mặt đất, giá FIT 2 là 7,09 UScent/kWh, giảm gần 25% so với FIT 1.

Riêng với điện mặt trời áp mái, mức giá vẫn được giữ ở mức 9,35 cent/kWh.

TT

Công nghệ điện mặt trời

                             Giá điện/kWh

VND

Tương đương US cent

1

Dự án điện mặt trời nổi

1.758

7,69

2

Dự án điện mặt trời mặt đất

 1.620

7,09

3

Dự án điện mặt trời mái nhà

2.156

9,35

Ông Thành cũng cho biết thêm, dự kiến khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 Chính phủ sẽ họp và ra quyết định chính thức đối với giá FIT 2.

Mức giá FIT 2 vẫn được áp dụng trong vòng 20 năm đối với các dự án được vận hành thương mại trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2021.

Giải thích về nguyên nhân giá FIT 2 dành cho các dự án điện mặt trời nổi và dự án điện mặt trời mặt đất giảm so với FIT 1, ông Thành cho biết: "Chúng tôi căn cứ vào chi phí nguyên liệu, trang bị đầu vào giảm khoảng 20 - 25%/năm. 

Giá FIT 1 là 9,35 UScent/kWh được lập dựa trên cơ sở chi phí trang thiết bị đầu vào của năm 2016. Đến năm 2019, tức là sau 3 năm chi phí đã giảm rất nhiều tới 30 - 40% so với thời điểm 2016".

Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh). 

Các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/1 /2021 đến ngày 31/12/2021 áp dụng biểu giá mua điện FIT 2. 

Trong những tháng đầu năm 2019 đã diễn ra sự bùng nổ các dự án điện mặt trời, nhất là tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận do sức hấp dẫn của giá FIT 1.

Phát biểu tại Hội thảo Tuần lễ Năng lượng tái tạo diễn ra vào ngày 17/9, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng quá tải cục bộ đang là vấn đề lớn của việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời, nhất là trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận do tốc độ đi vào vận hành của các dự án quá lớn.

"Thông thường, một dự án nhà máy điện mất khoảng vài năm mới có thể đi vào hoạt động do quá trình cấp phép và xây dựng tốn nhiều thời. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời thì chỉ mất vài tháng là xong nên quá tải cục bộ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới", ông Đăng cho biết thêm.

H.Mĩ